Phân loại rác tại nguồn để giảm áp lực xử lý rác
Phóng viên: Xin ông cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa như thế nào đối với BVMT?
Ông Mai Thế Hưng: Phân loại rác tại nguồn là việc làm nhằm phân loại, tách biệt rác thải theo từng loại rác ngay tại địa điểm phát sinh rác. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa của tỉnh đang trên đà tăng trưởng mạnh, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được phân loại trên địa bàn tỉnh còn thấp. Rác thải chưa được phân loại hệ quả sẽ dẫn đến khối lượng phải chôn lấp hoặc đốt nhiều, trong khi nhiều lò đốt rác quy mô xã và liên xã đã xuống cấp, không bảo đảm tiêu chuẩn nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu xử lý.
Phân loại rác có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý rác thải, làm giảm được lượng rác thải cần phải xử lý, giảm tải được các bãi chôn lấp trong tình hình quỹ đất ngày càng hạn hẹp như hiện nay. Đồng thời, giảm chi phí vận chuyển, xử lý, góp phần bảo vệ mỹ quan, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí, giảm thiểu nguy cơ phát tán các mầm bệnh, các yếu tố độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Phóng viên: Vậy việc phân loại rác thải tại nguồn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường như thế nào?
Ông Mai Thế Hưng: Phân loại rác tại nguồn đem lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế có thể sử dụng hoặc bán cho các đơn vị tái chế và phân hữu cơ tự chế giúp tiết kiệm một phần chi phí. Việc phân loại rác sẽ giảm thiểu tối đa lượng rác xả ra môi trường. Giảm áp lực cho các cơ quan, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải. Tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong vai trò giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phóng viên: Ông có thể cho biết, để thực hiện quy định này cần triển khai những công việc gì?
Ông Mai Thế Hưng: Để thực hiện thành công, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, các cấp, các ngành cần:
- Triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội;
- Bảo đảm các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu BVMT;
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp; vận động và đầu tư trang thiết bị, kinh phí, nhân sự cho việc phân loại rác tại nguồn trong giai đoạn đầu thực hiện và duy trì thường xuyên, liên tục;
- Tổ dân phố, thôn, xóm, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH; hướng dẫn, vận động cộng đồng, gia đình, cá nhân phân loại và tập kết rác thải tại địa điểm quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của gia đình, cá nhân.
Phóng viên: Thực hiện quy định về phân loại rác thải tại nguồn, đang được cơ quan chức năng của tỉnh triển khai như thế nào?
Ông Mai Thế Hưng: - UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 17/4/2024 quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong đó có quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý CTRSH. Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 23/5/2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong đó giao các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn, tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; lưu giữ, thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại; kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến phân loại CTRSH tại nguồn...
- Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giám sát về BVMT năm 2024; trong đó giao các đơn vị tuyên truyền về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Ban hành Văn bản số 527/STNMT-QLMT ngày 20/2/2024 về việc tăng cường quản lý CTRSH, trong đó đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền công tác phân loại CTRSH tại nguồn bằng các hình thức phù hợp đến đông đảo người dân để nâng cao nhận thức, tạo thành thói quen phân loại CTRSH tại nguồn, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã để người dân biết, thực hiện...
Phóng viên: Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, cơ quan chức năng gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Mai Thế Hưng: Công tác BVMT đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và người dân. Ý thức về BVMT đang dần được nâng lên. Việc bố trí ngân sách cho công tác thu gom, xử lý chất thải đã được quan tâm tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hướng dẫn quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về giá. Khối lượng CTRSH ngày càng gia tăng, trong khi đó công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật về quản lý chất thải chưa bắt kịp được với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý môi trường ở cả 3 cấp còn mỏng. Tỉnh Thái Bình chưa thành lập phòng quản lý chất thải rắn, không có biên chế cán bộ làm công tác chuyên sâu về quản lý chất thải rắn, do vậy hiện nay chỉ bố trí được 1 cán bộ kiêm nhiệm theo dõi lĩnh vực quản lý rác thải sinh hoạt tại Sở. Mặc dù ý thức của người dân đã dần được nâng lên nhưng việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt vẫn chưa được triển khai thực hiện đồng bộ nên nhiều người chưa chủ động, tự nguyện trong phân loại rác thải sinh hoạt. Trong công tác thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom tại nhiều khu vực nông thôn; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định; các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Trong công tác xử lý thì công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu; nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Nguyệt
(thực hiện)
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Cần sớm xử lý vi phạm bến bãi khu vực cầu NghìnKỳ 1: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa 05.09.2024 | 08:52 AM
- Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường 23.08.2024 | 08:13 AM
- Thành phố: Xử lý ô nhiễm từ các bãi rác tự phát sau phản ánh của Báo Thái Bình 15.08.2024 | 14:59 PM
- Thành phố: Nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 03.08.2024 | 19:08 PM
- Bàn giao máy băm phụ phẩm nông nghiệp và thùng đựng rác cho hội viên, nông dân 17.06.2024 | 18:06 PM
- Tiền Hải: Chỉ đạo di dời khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở xã Nam Trung 17.05.2024 | 08:51 AM
- Công ty Điện lực Thái Bình: Tổ chức lễ phát động hưởng ứng Giờ Trái đất 22.03.2024 | 15:50 PM
- Công viên xanh giữa lòng thành phố 13.02.2024 | 21:05 PM
- Phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác bảo vệ môi trường 03.12.2023 | 21:43 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ tại Thái Bình
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng
- Triển khai kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
- Công điện số 18 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành
- Huy động sức mạnh toàn dân trong ứng phó với lũ
- Thái Thụy khắc phục xong sự cố đê hữu Hóa
- Quyết liệt tập trung chống lũ, hộ đê, khắc phục hậu quả úng, ngập do bão số 3 gây ra và ứng phó với mưa lớn
- Ứng phó với lũ, tính mạng người dân là trên hết
- Nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất bảo vệ an toàn hệ thống đê điều
- Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tỉnh Thái Bình 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3