Thứ 4, 04/12/2024, 00:51[GMT+7]

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Thứ 2, 19/08/2024 | 09:50:40
2,594 lượt xem
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ngày càng nhiều kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở xử lý và bãi chôn lấp quá tải. Việc xử lý hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Bãi tập kết rác tại xã Vũ Hội (Vũ Thư) nằm cạnh đường giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý chưa triệt để 

Có thể khẳng định, việc thu gom CTRSH thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương quan tâm, từng bước tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, nhất là khu vực nông thôn. Mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 1.040 tấn CTRSH song hầu hết các địa phương mới làm tốt công tác thu gom, còn việc xử lý gặp nhiều khó khăn. 

Ông Mai Thế Hưng, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện CTRSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt bằng lò đốt rác. Việc đầu tư các bãi chôn lấp và lò đốt rác đã cơ bản xử lý được lượng rác phát sinh. Tuy nhiên, do các bãi chôn lấp rác thải, lò đốt công suất nhỏ nên chưa xử lý được chất thải thứ cấp phát sinh như nước rỉ rác, khí thải từ quá trình đốt; nhận thức của nhân dân về xử lý rác thải chưa cao, nhiều nơi nhân dân vẫn chưa đồng thuận hoặc ngăn cản việc xây dựng, hoạt động của các khu xử lý rác thải. Trong khi đó, việc quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi vốn đầu tư lớn, địa phương không đủ nguồn lực đầu tư cho công tác xử lý CTRSH tập trung; khó khăn trong bố trí quỹ đất, khả năng đầu tư, công nghệ xử lý. 

Bãi rác xã Vũ Hội (Vũ Thư) nằm sát con đường dẫn vào thôn Đức Lân và thôn Hiếu Thiện. Cách đó khoảng 100m là Trường Tiểu học, THCS và Trạm Y tế xã. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi lần đi qua đây người dân đều phải đi thật nhanh, những hộ sống ở khu vực xung quanh bãi rác luôn bị mùi hôi từ bãi rác xộc thẳng vào nhà. 

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết: 10 năm trước, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh, huyện, xã Vũ Hội tiếp nhận lò đốt rác thải công suất 5 tấn/ngày. Sau 4 năm hoạt động, tháng 4/2018, lò đốt hư hỏng nặng, dừng hoạt động, tất cả CTRSH tuy vẫn được vận chuyển về khu xử lý nhưng không được đốt nên gây ô nhiễm môi trường. 

Ông Lê Quang Hơn, thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội cho biết: Ruộng khu vực bãi rác bà con bỏ hoang từ nhiều năm nay do nước thải từ bãi rác tràn ra cánh đồng. Tiếc đất hoang, nhà lại có máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nên tôi mượn ruộng của người dân gieo cấy hơn 3 mẫu nhưng năng suất không cao. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Đức Lân, xã Vũ Hội bức xúc cho biết: Nhiều năm nay người dân chúng tôi khổ vì mùi hôi thối từ rác, rồi ruồi nhặng từ bãi rác bay vào nhà rất mất vệ sinh. Tại rất nhiều cuộc họp của thôn, xã, hội nghị tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị, mong muốn bãi rác được di chuyển cách xa khu dân cư nhưng chưa được thực hiện. 

Nhà máy xử lý rác thải thị trấn Quỳnh Côi xử lý CTRSH cho 15 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ.

Tạo thói quen phân loại rác 

Phân loại rác thải tại nguồn không phải là chuyện bây giờ mới được đề cập. Nhiều địa phương đã “khởi động” việc này từ nhiều năm song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến ngày 31/12/2024 tất cả các cá nhân, hộ gia đình phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, để phân loại rác, quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen xử lý rác ngay tại nguồn. 

Theo ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ, để việc phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện đồng bộ, cuối năm 2023, UBND huyện Quỳnh Phụ đã ban hành công văn hướng dẫn phân loại, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ý thức của nhân dân về phân loại rác thải có chuyển biến rõ rệt. Việc phân loại rác thải tại nguồn bước đầu đi vào nền nếp, nhất là tại các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Còn theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy, để giải bài toán phân loại CTRSH tại nguồn là việc không hề dễ. Việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen của đại bộ phận dân cư. Muốn thay đổi điều này, công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thường xuyên. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện Thái Thụy đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nâng cao nhận thức, ý thức người dân tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó từng bước thay đổi nhận thức và hành động của người dân về quản lý CTRSH để thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển và xử lý phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và quy định của pháp luật.

 Đồng bộ các giải pháp 

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra, đặc biệt là tại các địa phương chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh Thái Bình đã xây dựng, hoàn thiện và tổ chức hướng dẫn, triển khai các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý CTRSH. 

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về công tác quản lý CTRSH như Quyết định số 06/2024/ QĐ-UBND, ngày 17/4/2024 quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 92/KH-UBND, ngày 23/5/2024 triển khai thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 111/ KH-UBND, ngày 27/6/2024 về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2892/UBND-NNTNMT, ngày 31/7/2024 về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý CTRSH. 

Tuy nhiên, mọi giải pháp đặt ra chỉ thành công khi có sự tham gia của các sở, ngành, sự phối hợp của các đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng và người dân. Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả các nội dung về quản lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Các huyện, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ trên 92% CTRSH khu vực nông thôn, 100% CTRSH đô thị được thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác thải tập trung để xử lý, bảo đảm quy định. Thực hiện quy hoạch vị trí, bố trí quỹ đất cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ cao theo Quyết định số 1735/QĐTTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Rác thải hữu cơ được người dân xã An Quý (Quỳnh Phụ) bỏ vào hố rác phân hủy làm phân bón cho cây trồng.

Minh Nguyệt