Thứ 3, 27/08/2024, 10:20[GMT+7]

Bách Thuận: Tiếp diễn tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi

Thứ 3, 27/08/2024 | 08:30:43
220 lượt xem
Xã Bách Thuận (Vũ Thư) được coi là “thủ phủ” của nghề chăn nuôi lợn. Chăn nuôi đã góp phần giảm nghèo, giúp nhiều gia đình trở thành triệu phú. Tuy nhiên, chăn nuôi cũng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho nhân dân.

Nước đen ngòm, có mùi hôi thối tại một kênh mương ở khu vực tập trung một số trang trại chăn nuôi lợn lớn thôn Bình Minh, xã Bách Thuận.

Đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 7 vừa qua làm vườn hòe gần 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Đà, thôn Bình Minh bị ngập úng nặng khiến nhiều cây hòe bị chết và giảm 50% năng suất, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng. Nguyên nhân gây ngập úng là do từ tháng 4/2024, người dân xã Tân Lập kiên quyết không cho xã Bách Thuận xả nước, tiêu nước qua kênh mương của xã. Nguồn gốc của việc “cấm vận” thủy lợi này là do các kênh mương trên địa bàn xã Bách Thuận đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi xả thải chăn nuôi. 

Việc các cơ sở chăn nuôi xả chất thải ra kênh mương là nguyên nhân sâu xa khiến vườn hòe của gia đình ông Nguyễn Văn Đà, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận bị ngập úng, thiệt hại nặng.

Ông Trần Văn Hòa, Trưởng thôn Bình Minh cho biết: Địa bàn thôn hiện có gần chục cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô hơn 300 con/hộ và hàng chục gia đình chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Hầu hết các hộ đều xây dựng bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, tuy nhiên bể biogas nhỏ trong khi quy mô chăn nuôi lớn, vì vậy hầu hết chất thải được xả trực tiếp ra kênh mương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mấy năm gần đây người dân rất bức xúc và thường xuyên phản ánh, kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, do kênh mương ô nhiễm khiến xã bạn “cấm” xả nước qua làm ngập úng gây thiệt hại kinh tế của nhiều hộ dân. 

Qua rà soát, xã Bách Thuận hiện có hơn 300 hộ chăn nuôi lợn, chiếm 10,7% tổng số hộ trên địa bàn; trong đó có 33 hộ chăn nuôi lợn với quy mô từ 300 con trở lên, 4 - 5 trang trại có quy mô hơn 1.000 con. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi lợn đều xả chất thải ra kênh mương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mấy năm gần đây, cử tri xã Bách Thuận đã nhiều lượt phản ánh, bày tỏ bức xúc về tình trạng này nhưng không có thay đổi tích cực. Người dân trong xã hàng ngày vẫn phải hít thở bầu không khí có mùi hôi thối và chứng kiến những kênh mương nước đen ngòm chứa chất thải của lợn. Du khách tham quan làng vườn thường đi vội vì không chịu nổi mùi hôi thối. Sự bức xúc của nhân dân được đẩy lên cao trong tháng 8 vừa qua. Nguyên nhân là đợt mưa lớn trong tháng 7 làm nước ở xã Bách Thuận bị dồn lại, cần tiêu thoát nước. Thông thường, nước ở các kênh mương của Bách Thuận sẽ thoát qua 1 cống qua đê sang xã Tân Lập rồi rút ra sông Kiến Giang. Nhưng do các kênh mương của xã Bách Thuận bị ô nhiễm nghiêm trọng nên người dân xã Tân Lập kiên quyết không cho xã Bách Thuận mở cống, xả nước qua. Từ đó gây ngập úng nhiều diện tích trồng hòe, cây cảnh, cây ăn trái, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân Bách Thuận. Một số hộ đã tham gia tập trung đông người ở khu vực các trang trại chăn nuôi lợn, trụ sở UBND xã để bày tỏ sự bức xúc, phản đối về tình trạng xả chất thải chăn nuôi ra môi trường, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. 

Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Trước phản ứng gay gắt của các hộ dân, vừa qua, UBND xã đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Đảng ủy, UBND xã với đại diện người dân và 33 chủ cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn tại địa phương. Trong đó, các bên cùng thống nhất quan điểm các hộ từng bước giảm quy mô chăn nuôi phù hợp với cơ sở vật chất chuồng trại của gia đình. Trong 6 tháng tiếp theo, các hộ khẩn trương đầu tư kinh phí nâng cấp, chỉnh trang chuồng trại chăn nuôi, xây bể biogas đủ sức chứa chất thải và đầu tư mua máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm nước thải ra ngoài phải đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Sau 6 tháng, xã sẽ kiểm tra từng cơ sở chăn nuôi, nếu cơ sở nào không chấp hành sẽ đề xuất cơ quan chức năng kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, có thể sẽ đình chỉ chăn nuôi nếu không bảo đảm vệ sinh môi trường. Vừa qua, xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra đột xuất, lấy mẫu xét nghiệm chất thải ra môi trường tại một số trang trại chăn nuôi tại địa phương, trên cơ sở đó sẽ xử lý các trường hợp vi phạm, siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. 

Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi sang trồng cây cảnh, cây ăn trái, kết hợp phát triển du lịch sinh thái là một hướng đi mới góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe và nâng cao thu nhập cho người dân xã Bách Thuận. 

Hà Phương