Canh Tân: Tập trung xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường
Có mặt tại bãi rác tập trung của xã Canh Tân, chúng tôi thấy đường vào bãi rác tập trung của xã người dân đã sử dụng các thân cây làm “cổng” nhằm ngăn chặn việc đổ rác vào bên trong. Do đó, trên các dòng sông và các tuyến đường gần khu vực này tràn ngập các loại rác thải từ bao bì, vỏ chai thủy tinh đến nhiều loại rác thải rắn khác khiến ách tắc dòng chảy và gây khó khăn cho người dân đi lại.
Ông Khúc Ngọc Vinh, thôn Vế Đông cho biết: Ngày nắng những đống rác bốc mùi hôi thối nồng nặc còn ngày mưa nước từ các đống rác chảy ra đường, xuống ruộng, ruồi, nhặng cứ thế theo gió vào nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân, vì vậy người dân trong thôn rất bức xúc. Chúng tôi đề nghị địa phương sớm xây dựng bãi rác ra vùng đất bãi thuộc địa phận thôn Đào Thành vì khu vực này xa khu dân cư, đủ diện tích quy hoạch, thuận lợi cho việc chôn lấp.
Được biết, bãi rác xã Canh Tân được đưa vào sử dụng từ năm 2009 với diện tích 2.000m2 tại thôn Vế Đông. Đây là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt của các thôn trong xã với hàng chục tấn rác/ngày đêm. Trước đây, địa phương thường thuê máy xúc để chôn lấp rồi san phẳng sau đó lấy đất trám lấp. Cứ như thế, sau gần 15 năm thực hiện biện pháp chôn lấp đến nay bãi rác đã quá tải, không còn diện tích đất trống để chôn và trám lấp, có thời điểm thời tiết hanh khô nhiều người dân tự ý đốt rác khiến bãi rác cháy âm ỉ hàng tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe người dân trong xã và một số người dân xã Cộng Hòa.
Ông Trần Văn Huân, Trưởng thôn Vế Tây cho biết: Mặc dù địa phương đã sử dụng máy bơm để dập nhưng tình trạng này vẫn tái diễn nên các hộ dân quanh khu vực bãi rác này đã đề nghị UBND xã dừng hoạt động. Trước tình hình trên, UBND xã đã kiểm tra và cho tạm dừng hoạt động, đồng thời tổ chức họp triển khai chỉ đạo mỗi thôn quy hoạch 1 bãi rác riêng nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Vì vậy thời gian gần đây, một số hộ trong thôn tự thu gom rác thải sinh hoạt của gia đình sau đó xả rác bừa bãi ra công cộng. Vì là thôn có đến 80% gia đình làm nghề mộc nên lượng rác xả ra hàng ngày rất lớn, do đó vào ngày 24 hàng tháng chúng tôi đã huy động lực lượng đi thu gom, vệ sinh quang cảnh đường làng ngõ xóm. Chúng tôi mong muốn địa phương sớm khôi phục bãi rác cũ hoặc xây dựng bãi rác mới để người dân không xả rác bừa bãi ra nơi công cộng.
Rác tràn ngập trên các dòng sông gây khó khăn cho tiêu thoát nước.
Từ khi bãi rác xã Canh Tân dừng hoạt động, các tổ thu gom rác thải sinh hoạt tại các cơ sở thôn cũng tạm dừng hoạt động. Theo quy hoạch nông thôn mới, bãi rác xã Canh Tân được quy hoạch tại thôn Vế Tây với diện tích 8.000m2. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cùng với đó một số người dân ở các thôn chưa đồng thuận cao nên đến nay địa phương chưa thể thực hiện quy hoạch.
Ông Trần Tiến Thuật, Chủ tịch UBND xã Canh Tân cho biết: Để xử lý rác thải được triệt để, trước mắt, địa phương sẽ tạm thời san lấp lại bãi rác cũ để có nơi đổ rác cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện đồng bộ các biện pháp để sớm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của xã; tuyên truyền đẩy mạnh xây dựng các mô hình phân loại và xử lý rác thải góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ông Phạm Văn Soi, Bí thư Đảng ủy xã Canh Tân cho biết: Lượng rác thải trên địa bàn ngày càng nhiều nhưng lại không được phân loại tại nguồn, khu vực chứa rác tập trung của xã đã quá tải nên bắt buộc phải dừng hoạt động. Bên cạnh đó, tình trạng người dân vứt rác không đúng quy định còn khá nhiều gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường; áp dụng các mô hình khoa học để cải tạo, chôn lấp xử lý khu vực bãi rác tập trung, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm, bảo đảm thân thiện môi trường; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tác động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cũng đề nghị cấp trên quy hoạch xây dựng các nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao trên quy mô toàn huyện.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, mỗi người dân trong xã cần nâng cao ý thức không xả rác bừa bãi ra nơi công cộng nhằm góp phần bảo vệ môi trường và giữ gìn sức khỏe cho chính mình.
Thanh Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Cần sớm xử lý vi phạm bến bãi khu vực cầu NghìnKỳ 1: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa 05.09.2024 | 08:52 AM
- Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường 23.08.2024 | 08:13 AM
- Thành phố: Xử lý ô nhiễm từ các bãi rác tự phát sau phản ánh của Báo Thái Bình 15.08.2024 | 14:59 PM
- Thành phố: Nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 03.08.2024 | 19:08 PM
- Bàn giao máy băm phụ phẩm nông nghiệp và thùng đựng rác cho hội viên, nông dân 17.06.2024 | 18:06 PM
- Tiền Hải: Chỉ đạo di dời khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở xã Nam Trung 17.05.2024 | 08:51 AM
- Công ty Điện lực Thái Bình: Tổ chức lễ phát động hưởng ứng Giờ Trái đất 22.03.2024 | 15:50 PM
- Công viên xanh giữa lòng thành phố 13.02.2024 | 21:05 PM
- Phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác bảo vệ môi trường 03.12.2023 | 21:43 PM
Xem tin theo ngày
- Chỉ thị số 33- CT/TU ngày 14/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Gặp mặt đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X
- Chống lãng phí
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024
- Vũ Thư kỷ niệm 55 năm thành lập huyện (1969 – 2024)
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả
- Hưng Hà: Khởi công, động thổ 2 dự án trọng điểm của huyện
- Thái Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nga đến đầu tư tại tỉnh
- Khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gia đình chính sách, người có công và người nghèo