Thứ 6, 15/11/2024, 20:22[GMT+7]

Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững Kỳ 1: Ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi lợn

Thứ 3, 15/10/2024 | 09:18:50
6,842 lượt xem
Chăn nuôi lợn đang phát triển mạnh, mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường cũng diễn ra nhiều. Giải pháp nào để ngành chăn nuôi phát triển bền vững?

Trang trại tổng hợp Đông Hòa thuộc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á (Đông Hưng) gây ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ dự án chăn nuôi thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, một số dự án vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Người dân bức xúc

Thời gian qua, hàng chục hộ dân ở thôn Đông Hòa, xã Đông Á (Đông Hưng) nhiều lần có ý kiến, kiến nghị đến chính quyền các cấp phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí từ hoạt động chăn nuôi lợn của trang trại tổng hợp Đông Hòa thuộc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á. Người dân không chỉ phải gánh chịu mùi hôi thối từ phân lợn mà còn lo lắng về ô nhiễm môi trường nước và không khí. Ghi nhận thực tế thì vị trí trang trại nằm gần đê tả Trà Lý, gần sông Trà Lý, xung quanh trang trại là diện tích đất trồng lúa của người dân và hệ thống mương tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Đông Á cho biết: Trang trại tổng hợp Đông Hòa được thành lập từ năm 2009 và bắt đầu hoạt động từ năm 2011 với quy mô lớn. Mặc dù trang trại được đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về BVMT, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. 

Theo người dân thôn Đông Hòa, trang trại này đã gây ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay, từng bị xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Vì vậy, người dân rất mong các cấp chính quyền vào cuộc, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Huyện Tiền Hải hiện có 26 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô đang hoạt động, góp phần phát triển ngành chăn nuôi tại địa phương nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Bà Vũ Thị Hồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện phát sinh một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn gây ô nhiễm môi trường từ nước thải, mùi phát tán trong không khí, gây bức xúc trong nhân dân. Phòng đã chủ động vào cuộc, phối hợp với các phòng, ban, chính quyền các xã tổ chức kiểm tra, giám sát tại trang trại chăn nuôi ở các xã: Vũ Lăng, Nam Hưng, Nam Cường, Đông Trung, Đông Lâm.

Ông Mai Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Thời gian qua, người dân sinh sống xung quanh khu vực liên tục phản ánh hoạt động chăn nuôi của 2 trang trại trên địa bàn xã và trang trại tại xã Đông Lâm gây ô nhiễm, nhất là mùi hôi thối. Nguyên nhân là do các trang trại này xây dựng gần khu dân cư, cách khu dân cư khoảng 700m, mỗi lần có gió, mùi hôi theo về gây ảnh hưởng cuộc sống người dân. Mặc dù các cấp, ngành đã tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý và các doanh nghiệp có khắc phục nhưng chưa triệt để.

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường bức xúc: Tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại lan tỏa khắp khu vực, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình và các hộ dân lân cận. Mùi hôi thối thường xuất hiện mạnh vào các buổi chiều và tối, làm cho không khí trở nên ngột ngạt, khiến nhiều nhà phải đóng kín cửa suốt ngày đêm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và đơn kiến nghị, phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã tích cực vào cuộc thanh tra, kiểm tra. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh của người dân xã Đông Á (Đông Hưng), cuối tháng 8/2024, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, BVMT đối với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á tại xã Đông Á. Qua kiểm tra đã phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT về các hành vi vi phạm, gồm: xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40m3/ngày đến dưới 60m3/ ngày; lắp đặt đường ống để xả nước thải không qua xử lý ra môi trường không đúng theo quy định. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BVMT đối với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á về 2 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng. UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 330/UBND-NNTNMT về việc chỉ đạo, yêu cầu triển khai hàng loạt biện pháp để khắc phục vi phạm pháp luật về BVMT, đất đai của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á.

Theo bà Trần Thị Huyền, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2023 đến tháng 9/2024 Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 9 trang trại. Qua kiểm tra, 100% trang trại đã có thủ tục hành chính về BVMT nhưng vẫn còn 7/9 trang trại có tồn tại, vi phạm về BVMT như: xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép; lắp đặt đường ống xả nước thải không qua xử lý ra môi trường không đúng quy định; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chưa lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước khai thác, nước xả thải... Chánh Thanh tra Sở đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đối với 7 trang trại với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra đã yêu cầu các trang trại dừng ngay hành vi xả nước thải không bảo đảm quy chuẩn ra môi trường; tháo dỡ các đường ống xả thải không đúng quy định; đầu tư công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật.

Chăn nuôi lợn tại một hộ dân xã Bách Thuận (Vũ Thư).

(còn nữa)

Minh Nguyệt – Mạnh Thắng