Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững Kỳ 3: Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Đi đôi với bảo vệ môi trường
Xác định rõ phát triển chăn nuôi muốn bền vững phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường (BVMT), tỉnh ta đã và đang tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát và áp dụng công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hàng năm, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản về thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học gắn với BVMT trên địa bàn. Phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi sát thực tế theo hướng tổ chức lại sản xuất, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, mở rộng hình thức liên kết, đầu tư chăn nuôi quy mô trang trại có công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hướng tới mục tiêu cơ bản là phát triển ngành chăn nuôi bền vững gắn với BVMT, bảo đảm lợi ích cho người chăn nuôi và cộng đồng. Theo ngành chuyên môn khuyến cáo, chăn nuôi không ảnh hưởng đến môi trường nước, không khí, các hộ chăn nuôi cần định kỳ vệ sinh phun chế phẩm vi sinh khử mùi bên trong và xung quanh chuồng nuôi. Trong trường hợp các hộ chăn nuôi có bể biogas thì thu gom phân đưa về bể để xử lý chung với nước thải phối hợp với men vi sinh để xử lý. Nếu hộ chăn nuôi không có bể biogas thì thu gom đưa về khu ủ phân có mái che, có tường bao xung quanh, có mương thu gom nước về hệ thống xử lý nước thải và định kỳ phun chế phẩm vi sinh khử mùi trong chuồng, quanh khu vực chăn nuôi.
Ông Mai Thế Hưng, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Một trong những giải pháp quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng trang trại chăn nuôi trong đó chú trọng đến khoảng cách an toàn khu dân cư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khả năng chịu tải môi trường của khu vực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về BVMT ngay từ khi mới phát sinh; hạn chế phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Tại Quỳnh Phụ - một trong những huyện có hoạt động chăn nuôi lớn của tỉnh, công tác giám sát tại cơ sở được đặt lên hàng đầu.
Ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra định kỳ các trang trại chăn nuôi lớn, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về cách thức xử lý chất thải an toàn và hiệu quả. Việc giám sát nghiêm ngặt là yếu tố then chốt giúp ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển hệ thống báo cáo vi phạm từ người dân, khi phát hiện các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm. Điều này giúp chính quyền có thể nhanh chóng can thiệp và xử lý các vấn đề môi trường ngay từ sớm.
Phát triển mô hình chăn nuôi bền vững
Một trong những giải pháp tiên tiến giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững là áp dụng mô hình chăn nuôi sinh học. Ngay từ khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, ông Phạm Bá Vang, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) đã xác định rõ: Muốn chăn nuôi bền vững thì không có cách nào khác là phải giữ được môi trường trong chăn nuôi bằng nhiều biện pháp đồng bộ; chú trọng phát triển theo mô hình chăn nuôi sinh học. Chính vì vậy, tôi đã dành gần 3ha trong tổng số 5,4ha để đào 4 ao phục vụ cho việc xử lý nước thải trong quá trình chăn nuôi lợn với quy mô 300 con lợn nái và thường xuyên duy trì trên 2.000 con lợn thịt. Riêng chất thải của lợn được xả thải và xử lý qua bể biogas với dung tích 2.000m3. Việc chăn nuôi kết hợp sử dụng bể biogas tại trang trại đã tạo ra chất đốt, phát điện, phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho 20 công nhân tại trang trại, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trang trại chăn nuôi lợn với trên 700 đầu lợn của gia đình chị Phạm Thị Chung, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) bình quân mỗi tháng xuất bán 7 tấn lợn hơi, thu về hơn 200 triệu đồng. Để chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, chị Chung đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi với hệ thống khép kín tự động, thường xuyên khử trùng trang trại. Chị chia sẻ: Xây dựng trang trại cách xa khu dân cư theo quy định; sử dụng các chế phẩm sinh học để vệ sinh chuồng trại thường xuyên; đầu tư xây dựng hệ thống điều hòa thông gió để khử mùi, xử lý chất thải bằng bể biogas...
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã quan tâm quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và trang trại quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho rằng, vai trò quy hoạch vùng chăn nuôi áp dụng công nghệ sinh học trong giải quyết vấn đề môi trường từ chăn nuôi là hướng đi tất yếu để giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường. Mô hình này sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy phân, nước thải, qua đó giảm mùi hôi và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
Theo ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đàn lợn đạt 711,5 nghìn con; đàn trâu, bò đạt 59,5 nghìn con; đàn gia cầm đạt 12,9 triệu con. Giá trị sản xuất chăn nuôi 9 tháng năm 2024 đạt 7.520 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là xác định vùng chăn nuôi tập trung, trang trại theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của các huyện, thành phố; thực hiện nghiêm quy định về vùng không được phép chăn nuôi; dịch chuyển cơ sở chăn nuôi ra xa đô thị, khu dân cư, xa các vùng quy hoạch sản xuất tập trung có thương hiệu của tỉnh... Đồng thời, tập trung phát triển chăn nuôi ở các địa phương có quỹ đất rộng nhằm bảo đảm mật độ theo quy định.
Hộ dân chăn nuôi xã Bắc Hải (Tiền Hải) thường xuyên rắc vôi bột vệ sinh môi trường khu vực chuồng chăn nuôi.
Minh Nguyệt – Mạnh Thắng
Tin cùng chuyên mục
- Kiến Xương: Nỗi lo ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi 14.12.2024 | 18:54 PM
- Đến ngày 31/12/2024, 100% các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn 06.12.2024 | 19:26 PM
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Đông Hưng: Bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 18.10.2024 | 20:24 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Cần sớm xử lý vi phạm bến bãi khu vực cầu NghìnKỳ 1: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa 05.09.2024 | 08:52 AM
- Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường 23.08.2024 | 08:13 AM
- Thành phố: Xử lý ô nhiễm từ các bãi rác tự phát sau phản ánh của Báo Thái Bình 15.08.2024 | 14:59 PM
- Thành phố: Nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 03.08.2024 | 19:08 PM
- Bàn giao máy băm phụ phẩm nông nghiệp và thùng đựng rác cho hội viên, nông dân 17.06.2024 | 18:06 PM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình