Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dài Kỳ I: Lợi ích kép
Phụ nữ được coi là chủ thể quan trọng trong bảo vệ môi trường bởi sự ảnh hưởng lớn tới các thành viên trong gia đình. Vì vậy, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực xây dựng các mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, mang lại lợi ích kép, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo kinh phí gây quỹ hội, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
Từ những mô hình điểm...
Từ tháng 5 - 12/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải tại các xã: Bình Định (Kiến Xương), Tây Ninh (Tiền Hải), Minh Quang (Vũ Thư) với 450 hộ tham gia. Liên hiệp Hội đã trao 900 thùng đựng rác vô cơ, rác tái chế, 450 thùng ủ rác hữu cơ và 1.800 gói chế phẩm sinh học cho các hộ dân để xử lý rác thải phát sinh tại hộ gia đình. Việc thực hiện mô hình góp phần giảm tải cho công tác thu gom rác thải tại các thôn, xã. Tại các hộ tham gia mô hình, lượng rác thải ra môi trường giảm trên 60%. Lượng rác thu gom hàng tháng của thôn, xã có hộ dân tham gia mô hình giảm trên 45%, tiết kiệm được chi phí trong xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Phụ nữ xã Vũ Hòa (Kiến Xương) xử lý rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng.
Bà Bùi Thị Thơm, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Tham gia mô hình, ý thức về phân loại rác thải tại nguồn của các hộ dân, hội viên, phụ nữ nâng lên, giúp cho việc giữ vệ sinh môi trường sống xanh - sạch - đẹp hơn. Việc ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học giúp người dân tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học khi bón cho cây trồng, đất được cải tạo một cách tự nhiên và bền vững. Qua từng năm, Hội LHPN xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình. Vừa qua, chúng tôi tiếp tục ra mắt các mô hình: “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Nhà sạch, ngõ đẹp”, góp phần giảm khối lượng rác thải phát sinh từ các gia đình, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỗ trợ mỗi thành viên tham gia 1 nắp đậy hố rác hữu cơ, 1 gói chế phẩm sinh học xử lý rác tại gia đình, UBND xã hỗ trợ 130 biển công nhận gia đình đạt tiêu chí “nhà sạch, ngõ đẹp”.
Tại Hưng Hà, từ năm 2020 Hội LHPN huyện xây dựng mô hình điểm “Phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” ở thôn Đồng Lạc, xã Minh Khai với 160 thành viên tham gia, sau đó nhân rộng ra các xã. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 23 mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình ở 9 xã trong huyện; phát 2.025 thùng, xô đựng rác cho 2.012 thành viên để phân loại chất thải rắn, hỗ trợ men vi sinh để ủ chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ.
Bà Phạm Thị Phương Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Đức chia sẻ: Chúng tôi phối hợp tích cực hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải nên ý thức, trách nhiệm của người dân, hội viên, phụ nữ được nâng lên, giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
…đến mô hình “Biến rác thải thành tiền”
Theo bà Đinh Thị The, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà: Thực hiện mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong bảo vệ môi trường mà còn là điều kiện quan trọng để các cấp hội triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo “Biến rác thải thành tiền”. Đến nay, Hội LHPN huyện xây dựng được 71 mô hình tại tất cả các xã, thị trấn với số tiền thu được gần 200 triệu đồng. Hàng tháng, các cán bộ chi hội đi thu gom rác thải có thể tái chế, tái sử dụng hoặc các gia đình hội viên mang đến một điểm cố định là nhà văn hóa thôn, nhà cán bộ hội, sau đó sẽ bán cho các đại lý thu gom. Mô hình giúp các gia đình phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn, hạn chế lượng rác thải phát sinh góp phần bảo vệ môi trường; tạo kinh phí để tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo và bổ sung kinh phí vào quỹ hội để tổ chức các hoạt động của hội.
Bà Đinh Thị Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kiến Xương thông tin: 100% cơ sở hội thực hiện mô hình “Biến rác thải thành tiền”, thu được hơn 926,7 triệu đồng. Chúng tôi đã trích gần 478 triệu đồng giúp phụ nữ, trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, khó khăn. Toàn huyện có 14/29 xã, thị trấn thực hiện mô hình xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Trong đó, điển hình cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Bình Định đã lan tỏa mô hình thu gom, phân loại xử lý rác thải tái chế gây quỹ tặng phụ nữ và trẻ em nghèo. Đến nay, 8/8 chi hội đã thu được trên 15 triệu đồng từ bán phế thải, tặng quà cho 50 phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau.
Mô hình “Biến rác thải thành tiền” đã góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại xã Tân Lập (Vũ Thư), mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn được Hội LHPN xã triển khai thực hiện từ năm 2019 thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.
Bà Trần Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập cho biết: 5 năm qua, từ mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, Hội LHPN xã đã quyên góp được gần 60 triệu đồng, giúp đỡ 320 lượt đối tượng bằng các việc làm thiết thực như: tặng gạo hàng tháng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, rủi ro đột xuất, trao quà cho trẻ mồ côi, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ xóa nhà ở xuống cấp cho phụ nữ đơn thân không nơi nương tựa.
Chị Đỗ Thị Thái, hội viên phụ nữ thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập chia sẻ: Phân loại rác thải tại nguồn đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi và phụ nữ trong thôn. Qua đó, chị em cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm sạch đẹp hơn. Đặc biệt, khi chúng tôi thu gom phế liệu ủng hộ chi hội phụ nữ cũng hình thành ý thức tiết kiệm, giúp đỡ, sẻ chia với những chị em có hoàn cảnh khó khăn để động viên nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.
Rác hữu cơ sau một thời gian ủ với chế phẩm vi sinh được phụ nữ xã Thụy Chính (Thái Thụy) mang bón cho cây cối trong vườn.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Từ năm 2022, Hội đã chọn 16 hội cơ sở ở 8 huyện, thành phố để làm điểm thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Chỉ đạo các cấp hội thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Gia đình 5 có, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; trong đó tập trung xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường: “Đường hoa phụ nữ”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Cánh đồng sạch”, “Phân loại và xử lý rác thải tại gia đình”, “Biến rác thải thành tiền”. Nhận thấy lợi ích của việc làm này nên có nhiều gia đình phụ nữ thực hiện nghiêm túc, hình thành thói quen trong sinh hoạt. Đến tháng 9/2024, mô hình dân vận khéo “Biến rác thải thành tiền” có 100% số xã đã thực hiện với 1.188 mô hình, số tiền thu được 2,323 tỷ đồng để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tôn vinh tại chương trình “Hồ Chí Minh - hành trình khát vọng” năm 2023 và được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vinh danh trong gala gặp mặt điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhờ có số tiền trên đã góp phần giúp các cấp hội thực hiện hiệu quả mô hình “Mẹ đỡ đầu” với 824 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu với tổng số tiền đã trao trên 2,5 tỷ đồng và 10.402kg gạo.
Nhờ hội viên, phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ môi trường nên xã Hồng Việt (Đông Hưng) luôn giữ được cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Kiến Xương: Nỗi lo ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi 14.12.2024 | 18:54 PM
- Đến ngày 31/12/2024, 100% các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn 06.12.2024 | 19:26 PM
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Đông Hưng: Bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 18.10.2024 | 20:24 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Cần sớm xử lý vi phạm bến bãi khu vực cầu NghìnKỳ 1: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa 05.09.2024 | 08:52 AM
- Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường 23.08.2024 | 08:13 AM
- Thành phố: Xử lý ô nhiễm từ các bãi rác tự phát sau phản ánh của Báo Thái Bình 15.08.2024 | 14:59 PM
- Thành phố: Nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 03.08.2024 | 19:08 PM
Xem tin theo ngày
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ
- UBND tỉnh tiếp nhận 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ tặng quà tết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa
- Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm
- Bàn giao công tác của Chủ tịch UBND tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khánh thành nhà cho hộ nghèo
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc tết các văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc tết văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khánh thành nhà ở cho hộ nghèo huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trao quà tết cho đoàn viên, người lao động