Chủ nhật, 05/01/2025, 23:57[GMT+7]

Thúc đẩy năng lượng tái tạo: Câu chuyện truyền cảm hứng từ Trung Quốc

Thứ 3, 26/11/2024 | 10:55:11
3,543 lượt xem
Trung Quốc đã trở thành một 'tấm gương' trong chuyển đổi năng lượng sạch với những cách tiếp cận, bước đi, chính sách táo bạo, hiệu quả và truyền cảm hứng.

Một trang trại điện gió ngoài khơi huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, chiếm 27% lượng khí thải carbon của thế giới và 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính. Tuy vậy, cường quốc châu Á này lại có những nỗ lực đáng kinh ngạc nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo trong thời gian gần đây, khẳng định vai trò dẫn dắt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong cuộc đua giảm phát thải toàn cầu, trở thành một “tấm gương” để các quốc gia trong và ngoài khu vực học hỏi với những cách tiếp cận, bước đi, chính sách táo bạo, hiệu quả và truyền cảm hứng.

Tiên phong trong ngoại giao khí hậu

Trung tuần tháng 11 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Rio de Janeiro (Brazil) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo trang web chính thức của G20 Brazil, với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh lần này đã bàn về các giải pháp để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có sứ mệnh không để nhiệt độ trái đất vượt quá 1,5 độ C, tài chính xanh, tác động của biến đổi khí hậu…

Do vậy, rõ ràng việc Lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự sự kiện lần này cũng thể hiện cam kết ở mức cao nhất của Bắc Kinh trong việc tìm ra những “chìa khóa” cho các bài toán chung toàn cầu.

Đến năm 2035, các phương thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh sẽ trở nên phổ biến tại Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Thời gian qua, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thiết lập các khuôn khổ quốc tế tạo thuận lợi cho đối thoại về biến đổi khí hậu. Đầu tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp về biến đổi khí hậu kéo dài 5 ngày, tập hợp "các nước đang phát triển có cùng chí hướng" tại tỉnh Sơn Đông. Tiếp ngay sau đó là cuộc họp cấp Bộ trưởng "BASIC" hành động vì khí hậu với Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.

Năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Không để Hiệp định quốc tế quan trọng này “tụt dốc không phanh”, Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để tái khẳng định những cam kết chính trị rằng cần phải có những hành động khẩn cấp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tính đến hết 10 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số xe chở khách sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc đạt 8,33 triệu chiếc. (Nguồn: CNC)

Cuộc họp được các bên hưởng ứng và trở thành sự kiện thường niên. Cuối tháng 7, cuộc họp cũng đã được tổ chức tại Vũ Hán, Trung Quốc, quy tụ các Bộ trưởng phụ trách vấn đề về biến đổi khí hậu và các quan chức cấp cao từ gần 30 quốc gia, hướng đến thúc đẩy các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu.

Nhất quán từ chính sách đến thực thi

Cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách Trắng “Chuyển đổi năng lượng Trung Quốc”, nêu rõ trong thập niên qua, Trung Quốc đã giảm được 3 tỷ tấn khí thải CO2 trong nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng xanh.

Chi tiết hơn, trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tiết kiệm được lượng điện tương đương mức tiêu thụ khoảng 1,4 tỷ tấn than. Nhờ sự quyết liệt của Bắc Kinh về việc triển khai các giải pháp đồng bộ trong cuộc chiến "giành lại bầu trời xanh", vùng ô nhiễm nặng nề Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc đã được Chính phủ Trung Quốc giải quyết triệt để.

Sản lượng ngành công nghiệp năng lượng sạch Trung Quốc đang đứng đầu thế giới. (Nguồn: The Washington Post)

Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển trung và dài hạn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, đến năm 2035, các phương thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh sẽ trở nên phổ biến. Đến giữa thế kỷ này, Trung Quốc sẽ hoàn thành xây dựng hệ thống năng lượng sạch mới, có mức phát thải carbon thấp và an toàn.

Ngày 8/11, Trung Quốc thông qua luật năng lượng mới thúc đẩy trung hòa carbon, hướng đến mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế vào năm 2060. (Nguồn: AFP)

Tiếp đó, ngày 8/11, Trung Quốc đã thông qua Luật năng lượng mới nhằm thúc đẩy nỗ lực trung hòa carbon, hướng đến mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế vào năm 2060. Luật năng lượng mới sẽ “tích cực và kiên trì thúc đẩy nỗ lực đạt đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon”. Mục tiêu của luật là “phát triển năng lượng chất lượng cao, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon và phát triển bền vững nền kinh tế-xã hội”.

Tính đến hết 10 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số xe chở khách năng lượng mới của Trung Quốc đạt 8,33 triệu chiếc, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2023. Về xuất khẩu, Trung Quốc đã xuất xưởng 120.000 xe trong tháng 10, tăng 10,4% so với năm ngoái và tăng 13,7% so với tháng 9. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1,09 triệu chiếc, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trung Quốc đã giảm được 3 tỷ tấn khí thải CO2 trong nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng xanh. (Nguồn: IC) 

“Chìa khóa” để Trung Quốc đạt được những thành tựu đáng nể trong thời gian qua chính là sự quyết liệt và kiên quyết từ trung ương đến địa phương từ từng người dân. Trung Quốc mạnh dạn trong việc tái cấu trúc nhiều ngành công nghiệp, trong đó kiên quyết đóng cửa các doanh nghiệp gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ bằng vay vốn ưu đãi lãi suất thấp…

Theo baoquocte.vn

  • Từ khóa