Thứ 7, 18/01/2025, 07:46[GMT+7]

Tiền Hải: Tăng cường phân loại rác thải tại nguồn

Thứ 3, 17/12/2024 | 09:07:56
5,749 lượt xem
Là địa phương ven biển, có thế mạnh về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhà hàng nên lượng rác thải trên địa bàn huyện Tiền Hải khá lớn. Chính vì vậy, huyện xác định việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, giảm tải áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý rác, góp phần tái sinh tài nguyên từ rác.

18 lò đốt kết hợp chôn lấp rác của huyện Tiền Hải đã xuống cấp.

Đã thành thói quen, sau khi dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, chị Vũ Thị Thúy, thôn Định Cư Đông, xã Đông Trà liền đem rác thải ra để phân loại theo từng giỏ, đúng nơi quy định. Chị Thúy cho biết: Rác sinh hoạt sau khi được thu gom, gia đình đem ra phân thành 3 loại và bỏ vào các giỏ đã được ấn định sẵn. Rác từ thực phẩm như lá rau, vỏ quả... tận dụng ủ làm phân hữu cơ; chai, lọ, túi nilon... có khả năng tái chế sẽ để riêng để quyên góp vào quỹ “Biến rác thải thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động; còn lại rác thải rắn không phân hủy, tái chế được bỏ riêng để mang đến nơi tập kết. Thời gian đầu chưa quen có hơi lộn xộn nhưng đến nay tất cả mọi thành viên trong gia đình tôi đều đã hình thành được thói quen sinh hoạt nền nếp này.

Không chỉ tại gia đình, với tư cách Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Định Cư Đông, chị Thúy còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, người dân trong thôn hình thành thói quen phân loại rác. Các đám hiếu, hỷ trong thôn, chị Thúy đến để phân loại và hướng dẫn mọi người cùng phân loại để giảm lượng rác phát sinh. Nhờ đó, việc phân loại rác thải đã trở thành nếp sinh hoạt thường ngày của hầu hết người dân trong thôn.

Chị Vũ Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Trà chia sẻ: Được sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, huyện Tiền Hải và UBND xã, sự phối hợp của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể trong xã, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp tổ chức 5 lớp truyền thông thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với ra mắt mô hình “Nhà sạch, ngõ đẹp” cho 420 cán bộ, hội viên phụ nữ. Tại hội nghị, Hội đã trao tặng thùng đựng rác cho các hội viên để thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, hỗ trợ mỗi hộ 2 gói men vi sinh để ủ các loại rác hữu cơ. Sau hội nghị đã lan tỏa và nhân rộng tới 5/5 chi hội, các trường học, các đơn vị kinh tế trên địa bàn xã. Mô hình xử lý, phân loại rác thải tại hộ thu hút được 1.860 gia đình tham gia, đạt tỷ lệ gần 93%, công tác kiểm tra thực hiện mô hình, kết hợp duy trì tốt các hoạt động vệ sinh môi trường hàng tháng của Hội được thực hiện thường xuyên góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được ngày công lao động và chi phí xử lý rác. Đến nay, tỷ lệ gia đình phân loại rác thải tại nhà đạt 98%, công tác thu gom của các chị em đỡ vất vả hơn, lò đốt không còn quá tải như trước. Qua đó giúp diện mạo làng quê thêm ngăn nắp, sạch sẽ...

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Kế hoạch số 92/KH-UBND, ngày 23/5/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, huyện Tiền Hải đã ban hành chỉ thị, kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện ban hành và triển khai thực hiện đề án phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 2023 - 2027. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện và các xã, thị trấn đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho việc tu sửa, nâng cấp và duy trì hoạt động của các lò đốt rác thải và khu xử lý rác thải tập trung cùng với việc bổ sung nguồn vốn sự nghiệp môi trường hàng năm, kinh phí hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải của UBND tỉnh, nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đã góp phần quan trọng trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và các ngành, đoàn thể đã triển khai mô hình thí điểm, tổ chức thực hiện ở một số xã làm điển hình nhân rộng; cử cán bộ chuyên môn, chuyên gia hướng dẫn cán bộ xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, các tổ viên tổ thu gom, xử lý rác, hộ gia đình việc phân loại, xử lý chất thải. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các hộ gia đình, đến nay 100% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý. Tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt 51%, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Huyện đã đầu tư và bố trí 122 phương tiện thu gom, 72.000 dụng cụ phân loại rác; thành lập 108 tổ với 239 người thu gom, vận chuyển, 69 người vận hành lò đốt, san gạt, chôn lấp tại bãi rác.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Tiền Hải bình quân khoảng 113 tấn/ngày. Toàn huyện hiện có 25 khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, trong đó 18 lò đốt kết hợp chôn lấp và 7 bãi chôn lấp tổng hợp; chưa có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Để giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xây dựng lối sống xanh bền vững, thời gian tới, huyện Tiền Hải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của việc phân loại rác thải tại nguồn để từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân trong việc giữ gìn môi trường, lồng ghép với các phong trào trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng mô hình.

Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Nam Trung (Tiền Hải).

Ngân Huyền