Thứ 5, 26/12/2024, 21:38[GMT+7]

Biến đổi khí hậu và câu chuyện ứng phó từ Việt Nam

Thứ 5, 26/12/2024 | 08:53:59
460 lượt xem
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng các quá trình thoái hóa đất, tăng diện tích nhiễm mặn gây giảm sút sản lượng lúa và nhiều hậu quả khác về môi trường; làm suy giảm đa dạng sinh học vùng ven bờ. Ảnh minh họa

Nhiều tổ chức quốc tế đều có chung nhận định, Việt Nam trên thực tế là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Theo đó biến đổi khí hậu sẽ là một trong các tác nhân làm giảm tăng trưởng của Việt Nam. Nếu không có các giải pháp thích ứng hiệu quả, nhiệt độ tăng 1,0℃ và 1,5℃ có thể gây tổn thất lần lượt khoảng 1,8% GDP và 4,5% GDP; thiệt hại kinh tế khoảng 4,3 tỷ USD trong 10 năm tới. Nếu nước biển dâng và nhiệt độ tăng lên theo kịch bản xấu nhất, ước tính đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 3,1 triệu người phải di cư nội địa.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn (Bộ Tài nguyên và Môi trường):

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Quá trình này cần sự nỗ lực liên tục, kiên định, thống nhất trong nhận thức và hành động”.

Khu vực ven biển Việt Nam là nơi chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và sạt lở đất. Nếu mực nước biển dâng sẽ làm gia tăng nguy cơ ngập khu vực ven biển. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các quá trình thoái hóa đất, tăng diện tích nhiễm mặn gây giảm sút sản lượng lúa và nhiều hậu quả khác về môi trường; làm suy giảm đa dạng sinh học vùng ven bờ, thay đổi hệ sinh thái của các vùng thấp; thu hẹp diện tích rừng và thảm thực vật tự nhiên.

Xét theo các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu tổn thất lớn nhất, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng. Khoảng 1,1 triệu tấn thủy sản nuôi trồng, tương đương 935 triệu USD có nguy cơ bị tổn thất do lũ lụt hàng năm. Hầu hết các khu công nghiệp ven biển bị ngập. Ước tính có tới 35% các công trình xây dựng ở các khu vực ven biển bị xói mòn; 42% khách sạn ven biển nằm gần khu vực sạt lở; và 2/3 hệ thống đê (khoảng trên 2.659 km) có thể sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn.

Ngoài những thiệt hại về kinh tế xác định được, Việt Nam còn có nguy cơ cao chịu thiệt hại phi kinh tế như thiệt hại về người và suy giảm sức khỏe người dân, cộng đồng hoặc chi phí cơ hội khi khu kinh tế bị di dời, mất đất do xói lở, mất di sản văn hóa và kiến thức địa phương, mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.

Tình hình diễn tiến với những kịch bản như trên cho thấy cần phải có các giải pháp quyết liệt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó cần có cách thức mới để người dân thấy được biến đổi khí hậu là nguyên nhân tác động tới sức khỏe và ảnh hưởng tới hệ sinh thái, con người gắn bó với hệ sinh thái và phải chống chịu, thích ứng. Từ đó có những giải pháp phù hợp, biến những thách thức của biến đổi khí hậu thành những cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, cần có những tính toán đầy đủ và phương án qui hoạch phù hợp đối với hoạt động sản xuất các ngành, lĩnh vực, phân bố dân cư và chuyển đổi phát triển kinh tế theo cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ phù hợp cũng như có những giải pháp cho từng ngành, lĩnh vực và từng vùng đối với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xét trong bối cảnh mới.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu

Điều cấp bách nhất là mỗi người và mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Người ta vẫn thường nói “nước nổi thì bèo nổi”, người Việt Nam thấy nước lên thì kê cao đồ đạc, be bờ. Nhưng đó là những thích ứng tự phát mang tính “nước đến chân mới nhảy”. Hầu hết những thích ứng tự phát của người Việt sẽ không có hiệu quả lâu dài. Chúng ta phải biến nó thành thích ứng có chiến lược, có quy hoạch và dài hạn mới giải quyết triệt để vấn đề. Vì vậy vai trò của chính quyền địa phương ở các cấp khác nhau trong việc thích ứng rất quan trọng, cần phải định hướng quá trình đó chứ không nên để người dân thích ứng tự phát. Nhà nước có vai trò định hướng chính sách và hoạch định con đường nhưng thực hiện phải là toàn dân, từng người một. Vì thế, phải thay đổi cả nhận thức và hành động của người dân - đó mới là điều cốt lõi để tạo ra những thành quả cụ thể”.

Trong bối cảnh toàn cầu chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, nắm bắt cơ hội để có những chuyển giao về khoa học công nghệ thế hệ mới, đầu tư tài chính và kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, phát triển xanh ở Việt Nam là giải pháp thích ứng hữu hiệu với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Phát triển xanh ở Việt Nam cũng không ngoài các triết lý chung của thế giới, theo đó đây là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Các đặc trưng chủ yếu của phát triển xanh ở thế giới cũng như ở Việt Nam cũng đều có 4 đặc trưng. Một là giảm thiểu khí thải nhà kính với việc nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng năng lượng từ nguyên liệu hoá thạch (than đá, dầu mỏ và khí đốt).

Hai là tăng cường sử dụng năng lượng xanh với việc đầu tư vào nghiên cứu phát triển những nguồn năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.

Ba là chú trọng tiết kiệm năng lượng và nước bởi đây đều là các nguồn tài nguyên quý giá, đặc biệt là nước.

Bốn là tích cực bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái. Những hệ sinh thái này rất quan trọng cho sự tồn tại của các loại sinh vật, giữ gìn sự đa dạng sinh học, giữ carbon trong đất và giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.

Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Theo kinhtedothi.vn