Thứ 2, 31/03/2025, 13:31[GMT+7]

Rừng ngập mặn - lá chắn thiên tai

Chủ nhật, 23/03/2025 | 19:50:29
3,880 lượt xem
Với gần 4.220ha rừng ngập mặn (RNM), Thái Bình đang sở hữu “bức tường xanh” khổng lồ, trải rộng che chắn và bảo vệ hơn 52km bờ biển, góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo đảm sinh kế cho hàng nghìn người dân.

Rừng ngập mặn tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.

Phủ kín “bức tường xanh” 

Diện tích RNM tỉnh Thái Bình được chia thành 2 vùng chính là rừng trồng ven biển tại huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. RNM không chỉ là “lá phổi xanh” của hệ sinh thái ven biển mà còn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên trước thiên tai. Chúng giúp hấp thụ và giảm thiểu tác động của sóng biển, bão lũ, hạn chế xói mòn đất và bảo vệ hệ thống đê điều. Ngoài ra, RNM là môi trường sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, đồng thời cung cấp nguồn lợi thủy sản quan trọng cho người dân địa phương. Chính vì vậy, Thái Bình đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát triển RNM, huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng như sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng dân cư.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Để duy trì và phát triển RNM, ngành chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý, bảo vệ và phát triển RNM ven biển gắn với quy hoạch tỉnh. Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân lấn chiếm đất rừng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và mọi người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, cũng như vai trò của rừng ven biển đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong năm 2024, Sở phối hợp quản lý, bảo vệ tốt gần 4.220ha; tổ chức 8 lớp tập huấn về công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản cho 10 xã ven biển có rừng; phát gần 16.500 tờ rơi tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý bảo vệ động vật hoang dã; cắm 7 biển tuyên truyền về bảo vệ đa dạng sinh học tại các xã ven biển. Tình trạng phá rừng hầu như không xảy ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản từng bước được kiểm soát. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng ven biển cũng như trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển được nâng cao rõ rệt.

Chung tay bảo vệ rừng 

Trồng rừng đã khó nhưng làm sao để có thể chăm sóc, bảo vệ cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt, nhân rộng thành “bức tường xanh”, “lũy thép” hộ đê, cản sóng gió, tạo nguồn sinh kế cho bà con nhân dân nhằm tạo nền tảng vững chắc, tăng khả năng chống chịu thiên tai, giảm thiểu tổn thương cộng đồng cư dân ven biển thì không phải là điều dễ dàng. Đó là tâm tư, trăn trở của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã có RNM. 

Xã Thụy Xuân (Thái Thụy) mỗi năm gánh chịu 3 - 4 cơn bão nên hậu quả rất nặng nề. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và mỗi người dân tích cực tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng chắn sóng, bảo vệ đê biển và khu nuôi trồng thủy sản. Nhìn những cánh rừng trang, bần, mắm, sú... trải dài khắp khoảng không gian tựa như dải khăn vắt ngang mặt biển, lao xao, oằn mình theo gió, mấy ai biết được những nỗi khó khăn, vất vả của người gieo trồng. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, xã Thụy Xuân đã gắn bó với RNM từ nhiều năm qua, trực tiếp bảo vệ diện tích rừng được giao khoán bộc bạch: Gia đình tôi đã nhận khoán chăm sóc và bảo vệ 30ha RNM ở địa phương. Hàng ngày, vợ chồng tôi thường xuyên ra rừng để kiểm tra, vệ sinh các tán rừng có nguy cơ bị hư hỏng và đánh bắt thủ công các loại thủy hải sản ven khu rừng. Công việc này chỉ cần không ốm đau, mỗi ngày đi biển cũng đủ trang trải cho sinh hoạt trong gia đình, từ 300.000 - 500.000 đồng. Người dân nơi đây luôn ý thức được rằng khai thác phải đi đôi với giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. 

Chăm sóc rừng ngập mặn huyện Thái Thụy.

Hiện nay, tổng diện tích RNM của huyện Thái Thụy là 2.675ha, tập trung tại 5 xã ven biển (Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân, Thái Đô, Thái Thượng). Những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ RNM luôn được huyện chú trọng. Người dân đã có ý thức trong việc bảo vệ, trồng và phát triển rừng, xác định đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ven biển kết hợp với phát triển du lịch sinh thái RNM của địa phương. Nhiều hoạt động phát triển, bảo vệ RNM được các phòng, ban, đoàn thể, địa phương triển khai. UBND huyện Thái Thụy đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã ven biển tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành để người dân hiểu rõ và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Đồng thời, huyện đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đội quản lý rừng với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn quản lý. Hưởng ứng ngày đất ngập nước thế giới năm 2025 với chủ đề “Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta”, huyện Thái Thụy đã tổ chức trồng 10.000 cây trang và cây bần tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. 

Sự “giàu có” về nguồn lợi thủy sản của RNM đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân các xã ven biển. Đây cũng là hiệu quả thiết thực nhất để người dân chung tay bảo vệ, giữ gìn RNM. 

Minh Nguyệt