Thứ 4, 14/05/2025, 20:33[GMT+7]

Ô nhiễm nước thải ở xã nghề Đồng Thanh

Thứ 3, 29/12/2015 | 09:05:44
900 lượt xem
Nghề làm bún, bánh cuốn ra đời ở xã Đồng Thanh (Vũ Thư) cách đây hàng trăm năm và nổi tiếng với thương hiệu bún, bánh Thanh Hương. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, người dân đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, nhiều hộ có cuộc sống khá giả nhờ làm nghề. Tuy nhiên, mặt trái của nó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Nghề làm bún, bánh ở Đồng Thanh.

 

Đến các làng nghề làm bún, bánh Thanh Hương 1, Thanh Hương 2, Thanh Hương 3 (xã Đồng Thanh) vào ngày trời giá rét và lặng gió nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc bốc lên từ các ao tù, dòng kênh, cống rãnh thoát nước. Càng gần các cơ sở sản xuất bún, bánh, nước thải ở đường rãnh, kênh mương càng nhiều màu khác nhau, đoạn trắng đục của nước gạo, đoạn có màu đen ngòm, kết tủa nổi váng. Ông Lương Đức Hậu (thôn Thanh Hương 2) than thở: Mùa này, trời rét còn dễ chịu hơn một chút chứ mùa hè - nhất là những hôm trời đang nắng lại đột ngột có mưa, không khí ở đây nồng nặc, ngột ngạt mùi hôi thối, không thể chịu được. Người dân ngồi xem ti vi ở trong nhà nhưng vẫn phải đeo khẩu trang.

 

 

Trước kia, người dân Đồng Thanh sản xuất bún, bánh bằng phương pháp thủ công, lượng sản xuất ít nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Khoảng chục năm gần đây, các hộ đầu tư máy móc, chuyển sang sản xuất bún, bánh theo quy mô lớn, không còn hộ sản xuất nhỏ lẻ. Đến nay, xã có 32 cơ sở sản xuất bún, bánh cuốn, tập trung nhiều ở 3 thôn: Thanh Hương 1, 2, 3 với lượng bún, bánh cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn/ngày. Để sản xuất được lượng bún bánh như trên, mỗi hộ làm nghề phải thải ra bình quân mỗi ngày từ 4 - 5 khối nước sau khi thực hiện các khâu ngâm ủ, vo gạo, nghiền, ủ bột... Nước thải sau sản xuất bún, bánh chưa qua xử lý được các cơ sở sản xuất xả trực tiếp ra hệ thống cống, rãnh thoát nước, kênh ngòi chung hoặc xả ra ao của gia đình. Nhưng dù xả ra đâu thì lượng nước thải ấy cũng tích tụ lại, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường chung, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của hơn 2.400 người dân sinh sống ở 3 thôn.

 

Ông Phạm Ngọc Năng, Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh cho biết: Với nghề chế biến lương thực, thực phẩm như sản xuất bún, bánh cuốn, cốm thu hút cả nghìn lao động, Đồng Thanh được công nhận là xã nghề. Cùng với mở rộng, phát triển, các ngành nghề, xã chú trọng xử lý những vấn đề phát sinh như ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, mỗi năm xã đều tổ chức 2 - 3 đợt kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các hộ sản xuất bún, bánh nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước, hạn chế xả nước thải để bảo vệ môi trường chung, vận động các hộ đầu tư xây dựng bể lắng, hệ thống xử lý nước thải nhưng kinh phí đầu tư cao nên chưa có hộ nào xây dựng. Chúng tôi cũng vận động các hộ làm nghề tập trung lượng nước thải sinh hoạt tại một điểm để thuận lợi cho địa phương trong khâu xử lý nhưng các hộ này nằm rải rác ở các địa bàn dân cư khác nhau nên rất khó thực hiện. Thực tế là chúng tôi đang bế tắc trong khâu xử lý nguồn nước ô nhiễm này.

 

Chậm và tắc trong khâu xử lý, chính vì vậy, mỗi ngày vẫn có một lượng nước thải lớn từ việc sản xuất bún, bánh xả ra môi trường, gây phiền hà, bất tiện đối với sinh hoạt, đặc biệt, nó từ từ “gặm nhấm”, “ăn mòn” sức khỏe của chính người làm nghề và người dân cùng địa bàn. Nguồn nước ô nhiễm là mầm mống cho nhiều bệnh tật phát sinh. Hiện chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của môi trường đối với sức khỏe người dân các thôn Thanh Hương 1, 2, 3. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quyển, tỷ lệ mắc ung thư ở 3 thôn có dấu hiệu gia tăng. Từ năm 2014 đến nay đã có 9 người chết vì ung thư, hầu hết là ung thư phổi và là người còn trẻ. Nguyên nhân gây ung thư có thể do nhiều yếu tố nhưng nó tác động đến tâm lý và chúng tôi mong muốn có một môi trường sống trong lành hơn.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vũ Thư cho biết: Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng bể lắng xử lý nước thải sau sản xuất. Hỗ trợ các hộ có lượng nước thải không quá lớn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý trước khi xả ra môi trường. Sau tuyên truyền, nhắc nhở, cơ sở sản xuất nào cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Hà Phương

  • Từ khóa