Thứ 3, 30/07/2024, 09:27[GMT+7]

Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường

Chủ nhật, 03/01/2016 | 16:50:52
1,264 lượt xem
Năm 2015, công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Năm 2016 ngành đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

Công nhân Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái Bình góp phần giữ cho thành phố luôn sạch, đẹp.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2015?

Ông Trần Ngọc Tuấn: Năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 23 văn bản chỉ đạo thực thi pháp luật về lĩnh vực tài nguyên môi trường (TNMT), đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước về TNMT trên địa bàn. Sở đã rà soát, trình UBND tỉnh ban hành 5 quyết định công bố 66 (chiếm tỷ lệ 94,3%) thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được tiếp nhận giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh: lĩnh vực đất đai 11 thủ tục; đo đạc và bản đồ 4; bảo vệ môi trường 11; tài nguyên nước 27; khoáng sản 13.

Trong công tác thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất, Sở đã thực hiện tốt việc thẩm định trình UBND tỉnh bảo đảm thời gian, chất lượng theo quy định. Năm 2015, toàn ngành đã chủ trì và phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của 138 tổ chức, cá nhân trên địa bàn, xác định 129 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sử dụng đất và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi hơn 58.300m2 đất của 6 đơn vị và xử phạt vi phạm hành chính 20 trường hợp kèm theo các biện pháp khắc phục. Sở cũng đã tiến hành thẩm định trình UBND tỉnh cấp 259 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 7 giấy phép thăm dò khoáng sản cát; 10 giấy phép khai thác và sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước... Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng khu xử lý rác thải gắn với lò đốt rác của 52 xã trên địa bàn tỉnh; hoàn thành thanh quyết toán Dự án VLAP theo đúng tiến độ và đạt chất lượng; thẩm định 53 dự án trích lục bản đồ, trích đo địa chính sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước; thẩm định 296 bản vẽ trích lục bản đồ, trích đo địa chính phục vụ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên và môi trường còn có những hạn chế gì cần khắc phục, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Tuấn: Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có nhiều thay đổi nên việc tiếp cận của cán bộ trong ngành còn hạn chế. Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 song các văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Công tác tham mưu giải quyết vướng mắc, khó khăn có lúc chưa kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở các địa phương, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn tồn tại tình trạng các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tình trạng khai thác trái phép cát lòng sông, đất sét làm gạch, ngói vẫn còn xảy ra. Sự phối hợp của các ngành liên quan trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho các chủ đầu tư còn kéo dài. Ô nhiễm môi trường một số khu vực chậm được khắc phục. Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường còn hạn chế nên việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý nhà nước về biển, ứng phó biến đổi khí hậu còn hạn hẹp, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý biển, khí tượng thủy văn còn thiếu kinh nghiệm thực tế, dữ liệu về tài nguyên biển còn phân tán, thiếu đồng bộ. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, đồng thời chưa có quy hoạch sử dụng, bảo vệ tài nguyên biển.

Phóng viên: Để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, trong năm 2016 ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Tuấn: Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, ngành Tài nguyên và Môi trường đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, đó là: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chế độ công chức, công vụ chuyên nghiệp, hiện đại; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNMT cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong chấp hành pháp luật, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sự đồng thuận, ủng hộ của mọi người cùng với ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch để thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu về TNMT trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020). Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất năm 2017 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Tập trung chỉ đạo các cấp hoàn thành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo đúng quy định. Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của tỉnh về công tác thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các địa phương, các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tập trung các điều kiện để triển khai thực hiện Dự án VLAP giai đoạn 2 khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; triển khai giai đoạn 2 nhiệm vụ "khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015 - 2025"; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác quản lý TNMT biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, khoáng sản, nước, góp phần bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

                 Mai Thư
                     (thực hiện)

  • Từ khóa