Thứ 2, 05/08/2024, 13:20[GMT+7]

Ðông Xuân chú trọng bảo vệ môi trường

Thứ 5, 10/03/2016 | 08:20:02
552 lượt xem
Những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xã Đông Xuân (Đông Hưng) còn thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ môi trường sống trong lành, xanh, sạch, đẹp.

Lò đốt rác thải tại xã Đông Xuân.

 

Ông Vũ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Xuân có 4 thôn với hơn 6.700 nhân khẩu. Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở thôn cùng vào cuộc vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trong thôn, xóm; phân công cán bộ phụ trách các thôn, xóm và có quy chế về bảo vệ môi trường phù hợp với thực tế; xây dựng đề án thu gom rác thải trong khu dân cư, đồng thời xây dựng, ban hành quy hoạch thu gom, xử lý rác thải, nước thải, quy hoạch bãi chứa rác thải tập trung xa khu dân cư tại thôn Ký Con với diện tích 10.000m2 xử lý theo hình thức chôn lấp. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ xã được giao vai trò chủ đạo cùng với các ban, ngành, thôn, xóm thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để thành lập các tổ thu gom rác thải theo cơ chế tự cân đối thu, chi. Vào ngày 24 hàng tháng, xã phát động các tầng lớp nhân dân tiến hành tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu dân cư, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

 

Để nâng cao hiệu quả việc thu gom rác thải, UBND xã đã hỗ trợ tiền mua xe chở rác, chổi quét, cuốc, xẻng và dụng cụ bảo hộ lao động. Kinh phí để duy trì hoạt động của các tổ thu gom rác thải do nhân dân tự nguyện đóng góp từ 5.000 - 15.000 đồng/hộ/tháng. Đến nay, Đông Xuân đã thành lập 4 tổ thu gom rác thải, mỗi tổ có từ 1 - 3 người, định kỳ 2 buổi/tuần thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ dân vận chuyển đến bãi chứa rác thải tập trung để xử lý, tỷ lệ rác thải được thu gom đạt trên 90%. Cùng với đó, địa phương còn đẩy mạnh vận động, hướng dẫn người dân, các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại cách thức phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, vô cơ tại gia đình, xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; làm tốt công tác giải quyết vi phạm về môi trường như lấn chiếm rãnh tiêu thoát nước, đổ rác bừa bãi... Bà Vũ Thị Mão ở thôn Lê Lợi cho biết: Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, tôi đã thực hiện phân loại, tự xử lý rác thải hữu cơ như rau, củ, quả hỏng tại gia đình, đồng thời nhắc nhở con cháu thường xuyên thu gom túi nilon, rác thải tập kết đúng nơi quy định, góp phần gìn giữ môi trường sống trong lành, sạch sẽ.

 

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, cuối năm 2014, Đông Xuân đã đầu tư xây dựng lò đốt rác công suất từ 10 - 12 tấn/ngày do Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Lò đốt rác được thiết kế nhỏ gọn gồm hai buồng đốt, sử dụng công nghệ đốt lấy khí tự nhiên không cần bổ sung nhiên liệu. Hàng ngày, nhân viên phụ trách môi trường sẽ tiến hành phân loại rác. Rác đưa vào lò trên hệ thống băng chuyền, sau đó được sấy trước khi đốt. Hiện nay, với 2,5 tấn rác/ngày, lò đốt hoạt động khoảng 4 giờ, lượng rác thải rắn được chôn lấp chiếm khoảng 10%, lượng xỉ thải sau đốt là 0,15m3/ngày, lượng khói thải ra ngoài không khí ít đã góp phần xử lý triệt để rác thải sinh hoạt, giảm ô nhiễm môi trường do rác thải thu gom đến đâu được đốt hết đến đấy.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường, hiện nay, môi trường nông thôn ở Đông Xuân có chuyển biến tích cực, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

Nguyễn Hậu

  • Từ khóa