Thứ 7, 03/08/2024, 01:18[GMT+7]

Sông Ðô Kỳ đang bị “bức tử”

Thứ 4, 06/04/2016 | 08:25:52
908 lượt xem
Tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi xuống sông Ðô Kỳ chảy qua địa bàn một số xã ở huyện Hưng Hà đang ngày càng nghiêm trọng. Dòng sông đang bị “bức tử” bởi sự thiếu ý thức của người dân sống hai bên bờ sông khi hàng ngày vẫn vô tư xả rác, nước thải xuống sông.

Nước thải sinh hoạt trong khu dân cư xã Đông Đô chảy trực tiếp ra sông Đô Kỳ.

 

Sông Đô Kỳ bắt nguồn từ sông Luộc chảy qua địa bàn các xã Điệp Nông, Văn Cẩm, Thống Nhất, Đông Đô, Tây Đô… Đi xuôi dòng sông Đô Kỳ, nhất là vào những ngày nước cạn này, người ta không khỏi giật mình vì rác thải sinh hoạt được người dân vô tư thả xuống như muốn “nuốt” chửng dòng sông. Từ nhiều năm nay, người dân sống ở các khu vực gần sông Đô Kỳ phải gánh chịu sự ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Đi tìm lời giải đáp cho sự ô nhiễm này, chúng tôi đã tìm đến một số hộ dân sống ở khu vực sông Đô Kỳ và thực sự bức xúc vì những gì đang diễn ra ở nơi đây. Bà Nguyễn Thị Son (thôn Hữu, xã Đông Đô) cho biết: Trước đây, dòng sông này là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cứ mỗi chiều về, nhiều người trong làng ra đây tắm, thế mà bây giờ nó bẩn và ô nhiễm trầm trọng. Rác ở đầu nguồn dồn về, ứ đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Gia đình tôi thường xuyên phải mang cào, cuốc để khơi thông dòng chảy và trông coi không cho một số tiểu thương đi chợ về tiện đường thải rác xuống dòng sông. Còn bà Nguyễn Thị Luyến (thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô) bức xúc: Do tổ vệ sinh môi trường của thôn chưa đi vào hoạt động nên nhiều hộ dân mang rác thải sinh hoạt ra dọc bờ sông đổ, chất thành từng đống hoặc ném thẳng xuống dòng sông, chỉ miễn sao sạch nhà mình, còn chúng tôi, nhà ở gần sông thì hứng chịu hậu quả ô nhiễm. Ông Trần Văn Tuấn (thôn Trường, xã Tây Đô)cho biết: Ngày xưa chúng tôi vô tư tắm giặt, có khi vào mùa hạn hán còn múc nước ở sông để ăn uống, sinh hoạt. Nhưng bây giờ sông ô nhiễm, chỗ nào cũng thấy rác thải, mùi hôi thối bốc lên. Nhiều hộ dân ở đây cứ tiện tay là vứt rác xuống sông thay vì bỏ rác vào thùng. Thậm chí một số hộ cũng chưa có ý thức đóng phí thu gom rác dù mỗi tháng chỉ khoảng 10.000 đồng… Bên cạnh đó, thói quen vứt rác trực tiếp xuống sông của nhiều người dân khiến rác trôi dạt theo dòng chảy sẽ rất khó khăn trong việc vớt sạch được rác.

 

Trao đổi với ông Phạm Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Đông Đô, chúng tôi được biết, chính quyền xã có biết tình trạng một số hộ dân đổ rác thải sinh hoạt xuống sông Đô Kỳ. Trước thực trạng đó, xã đã tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường nhưng vận động cứ vận động, nhân dân đổ rác vẫn cứ đổ. Và để giải quyết triệt để vấn nạn này, Đông Đô đã quy hoạch bãi rác thải sinh hoạt tập trung rộng gần 10.000m2; đầu tư xây dựng tường bao, đường điện, đường nội bộ. Dự kiến trong tháng 4/2016 sẽ lắp đặt lò đốt rác; đồng thời chỉ đạo các thôn thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, tập kết về bãi rác đã quy hoạch để phân loại đốt và chôn lấp. Ông Nguyễn Văn Bằng, cán bộ địa chính xã Tây Đô cho biết: Dọc sông Đô Kỳ chạy qua địa bàn xã có 3 gia trại chăn nuôi tập trung và nhiều hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Hầu hết các hộ đều đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Tuy nhiên, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi của một số hộ vẫn xả thải trực tiếp xuống sông Đô Kỳ, làm gây ô nhiễm dòng sông.

 

Với tâm lý “cha chung không ai khóc”, nhiều hộ dân sống ven sông Đô Kỳ vẫn xả thải rác thường xuyên, trong khi chính quyền địa phương chưa vào cuộc tích cực. Kết quả là môi trường sông Đô Kỳ ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng hơn. Chỉ vì thói quen xấu, vì lợi ích trước mắt mà nhiều người dân sống ở nơi đây sẵn sàng hủy hoại môi trường xung quanh dẫn đến dòng sông trong xanh ngày nào đang dần chết”.

 

Minh Nguyệt

  • Từ khóa