Thứ 3, 02/07/2024, 20:21[GMT+7]

Tăng cường quản lý động vật hoang dã

Thứ 4, 02/11/2016 | 07:44:02
1,303 lượt xem
Thời gian qua, công tác quản lý lâm sản nói chung và công tác kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói riêng được Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai bài bản góp phần bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở phát triển kinh tế từ gây nuôi động vật hoang dã theo hướng thương mại.

Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh bàn giao 61 cá thể tê tê Java (nhóm IB) và 37 cá thể rùa đầu to (nhóm IIB) cho Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đăng ký theo quy định với 26 loài động vật gây nuôi, chủ yếu gồm: gấu, nhím, rắn, kỳ đà, cá sấu, rùa, ba ba, lợn rừng, hươu sao… Theo quy định, khi gây nuôi động vật hoang dã, các hộ phải được ngành kiểm lâm thẩm định nguồn gốc, cấp phép; các loại động vật quý hiếm phải được đăng ký. Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, Chi cục đã phối hợp với chính quyền cơ sở nắm chắc tình hình, khi cơ sở đủ điều kiện sẽ được thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi. Thực hiện chức năng quản lý, Chi cục cũng thường xuyên kiểm tra, lập sổ theo dõi số lượng, diễn biến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Đồng thời hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại phù hợp, chấp hành nghiêm thủ tục hành chính liên quan đến vật nuôi, nghiêm cấm hành vi mua bán, săn bắt động vật hoang dã từ tự nhiên về gây nuôi; cấm vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã. Các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm qua địa bàn tỉnh đã bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Năm 2016, Chi cục Kiểm lâm đã xử lý 4 vụ trong đó có 2 vụ gây nuôi trái phép động vật hoang dã thuộc nhóm IIB, tịch thu tang vật chuyển giao cơ quan chức năng. Ông Đinh Hải Lục, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Ngày 25/2/2016, Chi cục Kiểm lâm bàn giao một cá thể khỉ mặt đỏ trọng lượng 5kg cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội; ngày 15/3/2016, Chi cục bàn giao một cá thể rùa núi viền trọng lượng 2,5kg cho Trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương - Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ngày 27/9/2016, Chi cục nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Lộc, xã Hồng Việt (Đông Hưng) đề nghị bàn giao một cá thể khỉ đuôi lợn thuộc danh mục động vật rừng quý hiếm nhóm IIB được gia đình nuôi giữ từ năm 2006, sau khi tiến hành kiểm tra và xác định, Chi cục đã tiếp nhận và chuyển giao ngay cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội để chăm sóc, cứu hộ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 26/4/2016, Chi cục đã tiếp nhận một cá thể mèo rừng trọng lượng 0,4kg thuộc nhóm IB do người dân tự nguyện giao nộp để bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Chi cục cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh bàn giao số lượng lớn động vật quý hiếm gồm 61 cá thể tê tê Java (nhóm IB) và 37 cá thể rùa đầu to (nhóm IIB) cho Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương. Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chấm dứt tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học theo quy định của các công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam, ngày 12/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3836 về việc triển khai các biện pháp kiểm soát, bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Ông Đinh Hải Lục cho biết thêm: Gây nuôi động vật hoang dã từng đem lại thu nhập cao cho nhiều người. Tuy nhiên, khi nhu cầu của thị trường bão hòa, sản phẩm không có đầu ra, vật nuôi lại trở thành gánh nặng cho người nuôi. Để kiểm soát, bảo tồn động vật hoang dã tốt hơn nữa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp lý, quy định gây nuôi, mua bán…

Cá thể khỉ đuôi lợn (nhóm IIB) do gia đình ông Nguyễn Xuân Lộc ở xã Hồng Việt (Đông Hưng) bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm. Ảnh do cơ sở cung cấp

Theo Chi cục Kiểm lâm, hầu hết các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản trong dân cư và lưu thông qua địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng cán bộ kiểm lâm còn mỏng, trang thiết bị phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ còn thiếu; nhận thức và ý thức chấp hành của nhân dân về lĩnh vực này còn hạn chế.

Lưu Ngần

  • Từ khóa