Thứ 7, 23/11/2024, 11:47[GMT+7]

Thành Đạt đã thành công

Chủ nhật, 19/02/2017 | 17:29:14
2,643 lượt xem
Rác thải không phải đốt, không phải chôn mà đem chế biến thành phân bón hữu cơ, thành hạt nhựa, thành nước sinh hoạt, chuyện tưởng lạ nhưng có thật tại huyện Quỳnh Phụ. Đây chính là đề tài khoa học đã được áp dụng thành công của doanh nhân Đỗ Chí Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt.

Về thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi được nghe kể về bãi rác thải khổng lồ đã tồn tại gần 20 năm. Bà Vũ Thị Nha, người đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó với ruộng đồng quê hương tâm sự: Ruộng nhà tôi ở ngay cạnh bãi rác khổng lồ ấy nên muốn có cái ăn thì nhiều khi cũng phải cố mà cấy cày, nhưng có những mùa vụ mùi hôi thối bốc lên kinh khủng quá, không thể nào cấy được, thế là đành phải bỏ. Giờ đây, bãi rác đã tồn tại gần 20 năm - nỗi ám ảnh của người dân huyện Quỳnh Phụ, chỉ còn trong lời kể mà thôi! Trên chính diện tích đất tồn tại bãi rác khổng lồ năm xưa, nay là nhà máy xử lý rác thải công nghệ TTD01 của Công ty Cổ phần Thành Đạt.

Rác thải sinh hoạt được công nhân thu gom và tập kết về nhà máy xử lý rác thải của Công ty.

Trăn trở rác thải

Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, doanh nhân Đỗ Chí Lệ lựa chọn cho mình lối đi hướng tới các công trình xã hội dân sinh. Dù cho các dự án xây dựng chợ, nhà máy nước sạch, nhà ở xã hội,… đều để lại ấn tượng tốt đẹp nhưng ông Lệ vẫn không thôi trăn trở khi mà vấn nạn rác thải đang ngày càng đe dọa chất lượng cuộc sống của người dân quê. Sự nghèo khó cùng với kiến kém thức về khoa học càng khiến cho người dân không thể có cái nhìn đúng đắn về tác hại của rác thải đối với chính cuộc sống của mình cũng như sự ảnh hưởng tới môi trường của thế hệ con cháu mai sau. Hiện nay, để xử lý rác thải, phương pháp đốt và chôn lấp thường được lựa chọn. Tuy nhiên, đây là mối nguy hại tiềm ẩn bởi khí thải của một số lò đốt không đạt tiêu chuẩn khi thải ra môi trường, còn phương pháp chôn lấp rác thải thì không thể phủ nhận tốn diện tích đất và dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước.

Vậy làm cách nào để có thể xử lý triệt để rác thải? Không tìm ra lời giải đáp, ông tự bỏ kinh phí đi tới những quốc gia phát triển trên thế giới như Đức, Nhật Bản, Singapore,… để tận mắt tham quan, chứng kiến quá trình xử lý rác tại những nhà máy với công nghệ tiên tiến. Những chuyến đi tới bao miền đất xa xôi ấy không giúp ông có thể trực tiếp mang về quê hương loại công nghệ tối tân có thể giải quyết vấn đề rác thải bởi chi phí quá cao, không những vậy cũng không thực sự phù hợp với rác thải sinh hoạt tại Việt Nam. Bởi vì không được người dân phân loại ngay từ đầu nên rác thải sinh hoạt tại Việt Nam là loại rác hỗn hợp, trong đó rác hữu cơ chiếm khoảng 40%, nilon chiếm khoảng 30%, nước chiếm khoảng 25%,…

Phân loại rác hữu cơ và vô cơ.

Bao tháng ngày ròng rã trăn trở, nghĩ suy, thử nghiệm rồi lại thất bại, tiêu tốn chính nguồn vốn tích lũy của gia đình, cuối cùng ông cũng có sự thành công, khi mà ông cùng các cộng sự vỡ òa trong niềm vui sướng chế tạo thành công công nghệ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt mang tên TTD01 với chi phí chỉ bằng 5% so với công nghệ có công suất tương ứng được nhập khẩu từ nước ngoài. Không cần đốt, không cần chôn lấp, với công nghệ tiên tiến này, rác thải sinh hoạt được tái chế thành hàng hóa như phân bón hữu cơ, hạt nilon, nước sạch,…

Khai thác rác

Đến thị trấn Quỳnh Côi thăm công nghệ xử lý rác 4 trong 1 mang tên TTD01 của Công ty Cổ phần Thành Đạt, có lẽ ai ai cũng không khỏi bất ngờ trước môi trường trong lành, xanh - sạch - đẹp của một nhà máy xử lý rác thải. Cả một vườn cây um tùm, xanh tốt là kết quả bao tháng ngày chăm sóc của chính các công nhân tại nhà máy bằng loại phân bón hữu cơ mà họ tái chế từ rác thải. Vừa nhanh tay bón phân, tỉa lá cho cây trong vườn của Công ty, ông Nguyễn Văn Thiệu hào hứng chia sẻ với chúng tôi rằng ông làm ở bộ phận phân loại rác, trước cũng lo lắng đi làm việc ở nhà máy rác thì ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng Công ty đã giải quyết được bãi rác tồn tại gần 20 năm của quê hương nên ông phấn khởi lắm, quyết tâm phải đầu quân cho Công ty. Đến khi vào làm, ông Thiệu được phát mũ, quần áo bảo hộ, khẩu trang và được Công ty quan tâm đến sức khỏe người lao động nên rất yên tâm công tác, cống hiến cho Công ty cũng như chính môi trường sống của quê hương mình. Còn ông Ngô Bá Kiên ở bộ phận thu gom rác thì hồ hởi tâm sự: Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, nhân dân trong vùng vui mừng lắm, bởi không còn phải chịu cảnh sống chung với rác, cùng mùi hôi thối, khói đốt độc hại suốt 20 năm qua, bởi vậy mà ông dù đang làm thợ xây cũng xin về làm việc cho Công ty.

Phân bón hữu cơ của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt thân thiện với môi trường.

Vậy là, từ những người dân quê giờ đây họ trở thành công nhân của nhà máy, tự hào khi chính bản thân mình đang từng ngày góp phần công sức nhỏ bé giải quyết vấn đề rác thải của quê hương, giúp cho môi trường sống thêm trong sạch, mà thế hệ con cháu mai sau sẽ không còn phải ám ảnh bởi những bãi rác khổng lồ như chính cuộc đời họ vừa mới trải qua thôi.

Công nghệ xử lý rác TTD01 hiện đại nhưng đơn giản trong vận hành nên hoàn toàn phù hợp để lắp đặt tại các miền quê. Công nhân không cần thời gian đào tạo lâu đã có thể tiếp cận dây chuyền sản xuất nhanh chóng. Rác thải khi đã được thu gom về nhà máy được từng bộ phận công nhân thay phiên phân loại rác, sàng lọc chất hữu cơ để nghiền ủ làm phân vi sinh chất lượng cao phục vụ nông nghiệp. Rác vô cơ, đặc biệt là nilon, nhựa được đưa vào dây chuyền tái chế thành hạt nhựa phục vụ sản xuất công nghiệp. Hiện nay, sản phẩm hạt nhựa được nhà máy sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Còn nước thải cũng được xử lý để đạt tiêu chuẩn an toàn mới đưa ra môi trường. Vụ lúa vừa qua, nhiều người dân ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) đã sử dụng sản phẩm phân hữu cơ của nhà máy để bón trực tiếp lên đồng ruộng nhà mình và bất ngờ khi năng suất lúa cao, vượt mức đề ra. Bởi vậy mà vụ xuân này, các hộ dân tiếp tục tín nhiệm sử dụng sản phẩm phân hữu cơ của nhà máy.

Thành công là vậy nhưng doanh nhân Đỗ Chí Lệ chưa thôi trăn trở. Ông mong muốn có thể tiến tới tự động hóa hơn nữa dây chuyền xử lý rác thành sản phẩm hàng hóa và có thể nhân rộng, đưa công nghệ xử lý rác triệt để, hiệu quả TTD01 đến với các địa phương khác, góp phần giảm thiểu những tác hại của cách xử lý rác truyền thống tới môi trường. Quả thực, giải quyết vấn đề môi trường chưa khi nào là "chuyện nhỏ". Bởi vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.

Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ
Thời gian qua, công tác thu gom và xử lý rác thải nông thôn của huyện Quỳnh Phụ có nhiều chuyển biến tích cực, nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt có một phần đóng góp không nhỏ vào những kết quả chung đó. Chúng tôi đánh giá cao kỹ thuật tiên tiến, xử lý triệt để, thân thiện với môi trường của công nghệ xử lý rác TTD01. Trong thời gian tới, địa phương mong muốn Công ty sẽ xây dựng thêm nhiều nhà máy xử lý rác thải cho huyện Quỳnh Phụ và các địa phương khác trong tỉnh

.

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực tiên phong của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt trong việc đầu tư, nghiên cứu, xây dựng nhà máy thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Quỳnh Côi. Với vai trò quản lý nhà nước về môi trường, chúng tôi đã phối hợp, hỗ trợ Công ty trong việc triển khai mô hình, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các địa phương khác phối hợp thực hiện. Xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn theo quy mô liên vùng của Công ty được đánh giá là mô hình bền vững và cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thiệu, xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ), công nhân nhà máy
Công nhân anh em chúng tôi rất nhiệt tình với công việc tại nhà máy hiện nay và cố gắng làm sao có thể góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch –-đẹp. Trước kia đây là bãi rác, giờ đây đã là nhà máy xử lý rác khang trang, chúng tôi tự hào khi góp công sức nhỏ bé của mình giải quyết vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường của địa phương. Bởi vậy, trong sự vất vả của công việc là niềm vui mừng, phấn khởi. Công nhân chúng tôi không chỉ xử lý rác thải mà còn góp phần tạo nên những sản phẩm như phân bón, hạt nhựa, thực sự rất tự hào khi mình làm ra được những sản phẩm thiết thực cho đời sống ngay từ chính rác thải đã bỏ đi.
Bà Vũ Thị Nha, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ)
Nhà máy xử lý rác thải làm phân bón, là người dân của quê hương tôi vui mừng, phấn khởi lắm. Bởi vậy, năm vừa qua, tôi quyết định sử dụng phân bón hữu cơ của Công ty trên ruộng lúa nhà mình, tôi thấy năng suất lúa cao, cây lúa chắc, không sâu bệnh thậm chí còn tốt hơn so với các vụ mùa trước đây. Bởi vậy vụ xuân này tôi tiếp tục sử dụng phân bón của Công ty và khuyến khích bà con ở địa phương cùng sử dụng. Không những vậy, trước đây nơi này là bãi rác nên mọi người không muốn cấy cày vì mùi hôi thối và khói đốt độc hại nhưng giờ đây có Công ty rồi, các chị em thoải mái tâm lý, an tâm cày cấy, không lo lắng gì cả.

Anh Tú - Trịnh Cường