Thứ 7, 11/05/2024, 03:48[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo vệ môi trường

Thứ 6, 06/07/2018 | 08:17:44
1,833 lượt xem
Những năm gần đây, nhờ biết tận dụng lợi thế vị trí thuận lợi cùng các chính sách đúng đắn trong phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, diện mạo nông thôn huyện Thái Thụy khởi sắc từng ngày. Song, cùng với đó, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện trở lên bức thiết.

Ra quân vệ sinh môi trường tại xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Rác thải đổ tràn ra ruộng vườn, chất thành đống ven đường, ven đê, người dân không có chỗ đổ rác, phải sống chung ô nhiễm từ rác thải là thực trạng diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn huyện. 

Để giải quyết vấn nạn về rác thải, hàng năm, UBND huyện Thái Thụy đều xây dựng chương trình, kế hoạch về công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy thì một trong những giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường là phát huy và nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, vì vậy huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời tổ chức gắn đặt pa nô, áp phích, phát tờ rơi và ra quân làm vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, ngày Đất ngập nước, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; các thôn và khu dân cư tổ chức ký cam kết với các hộ dân về BVMT, không vứt, đổ rác nơi công cộng. 

Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép chương trình BVMT vào chương trình hành động của các ban ngành, đoàn thể để triển khai đến người dân. Tiêu biểu như hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền trong hội viên về tác hại của rác thải, nguồn nước ô nhiễm; tham gia làm sạch đường thôn, ngõ xóm; nạo vét kênh mương, ao hồ; xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Song song đó, đoàn thanh niên chú trọng công tác trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường và làm vệ sinh môi trường ở các khu dân cư. Các xã, thị trấn xây dựng quy chế bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải. Nhờ đó mà chất lượng môi trường khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện.

Thực hiện Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 13/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường, Huyện ủy, UBND huyện Thái Thụy đã tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn bảo đảm vệ sinh môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường phân công cán bộ phụ trách từng cụm xã hướng dẫn về chuyên môn, giám sát các địa phương thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Các xã, thị trấn tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện rà soát việc thu gom, xử lý rác thải. 100% các xã, thị trấn đồng loạt ra quân thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vào ngày 24 hàng tháng (nếu ngày 24 không thực hiện được thì làm vào trước hoặc sau ngày 24) với lực lượng nòng cốt là đoàn viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ, công chức xã, thị trấn, trạm y tế, giáo viên, học sinh và nhân dân. 44/48 xã, thị trấn có các tổ thu gom theo quy mô toàn xã, tăng tần suất thu gom, xử lý rác thải, tối thiểu 3 lần/tuần; 3 xã: Thụy Hà, Thụy Xuân, Thụy Sơn và thị trấn Diêm Điền thành lập hợp tác xã môi trường; gần 500 người làm công tác thu gom, vận hành lò đốt, với 328 phương tiện, chủ yếu là xe kéo, xe lôi. Hiện, toàn huyện có 32 xã thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt, với 22 lò đốt rác, trong đó 14 xã thực hiện mô hình liên xã với 6 lò đốt rác… Các bãi rác thải tự phát cơ bản đã được trám lấp đất, cát và trồng cây xanh.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi ra ven đường, ven đê, khu đất trống, xuống dòng sông vẫn còn diễn ra. Vì vậy, để thực hiện nghiêm Công điện số 17 và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian tới huyện Thái Thụy tiếp tục thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương nhằm phát hiện các bãi rác tự phát, kịp thời trám lấp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của người dân; hướng dẫn nhân dân tận dụng môi trường vườn, ruộng xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày