Thứ 5, 02/05/2024, 18:35[GMT+7]

Công tác tuyên giáo với nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Thứ 2, 27/08/2018 | 08:53:29
1,141 lượt xem
Ở Thái Bình, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường đạt được những kết quả nhất định.

Phụ nữ xã Hợp Tiến (Đông Hưng) vệ sinh môi trường. Ảnh: Phương Chi

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa XI) khẳng định: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Ở Thái Bình, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường đạt được những kết quả nhất định. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đầu tư và tổ chức thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, đô thị, làng nghề, nông nghiệp và nông thôn, gắn với thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước được củng cố và tăng cường đến cấp xã. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, việc xã hội hóa, huy động, khuyến khích sự tham gia của cá nhân, tổ chức và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 200/263 xã (76%) và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 Nhận thức rõ bảo vệ môi trường là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác bảo vệ môi trường tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị trong binh chủng tư tưởng và các ngành trong khối khoa giáo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường. Định kỳ tổ chức hội nghị tập huấn, định hướng tuyên truyền về chủ đề này cho đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở. Công tác truyền thông chuyển đổi hành vi được chú trọng trên cả diện rộng và chiều sâu, chủ động với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trực quan, thông qua các đợt sinh hoạt, hội họp, băng biển, khẩu hiệu; qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức tháng hoạt động mạnh đưa kiến thức bảo vệ môi trường vào giáo dục trong nhà trường; vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường...

Cùng với công tác hướng dẫn triển khai, quán triệt, tuyên truyền nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp chặt chẽ với ngành Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy tỉnh kiểm tra, khảo sát ở các địa phương, đơn vị; đánh giá toàn diện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tình hình triển khai, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường ở cơ sở. Qua đó, đã rút ra những cách làm hay, những giải pháp tốt, có hiệu quả thiết thực; kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, kiên trì mục tiêu công tác bảo vệ môi trường.

Với phương châm hành động “hướng về cơ sở”, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khoa giáo, cộng tác viên, tuyên truyền viên được tăng cường. Trên cơ sở định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tổ khoa giáo xã, phường, thị trấn đã phát huy tốt chức năng là bộ phận tham mưu, giúp việc cho ban tuyên giáo đảng ủy cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện công tác khoa giáo nói chung, lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng; đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, tăng cường thông tin hai chiều, kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những khó khăn, bức xúc ngay từ cơ sở. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong sự phát triển bền vững; nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Tuy nhiên, trong thực hiện chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ một số tồn tại và là thách thức: một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn xem nhẹ việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, chưa thấy được vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số chủ trương, chính sách và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn chưa đến được với toàn thể nhân dân. Ý thức bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống của đại bộ phận dân cư. Công tác quy hoạch, xây dựng bãi rác tập trung, phân loại và xử lý rác còn nhiều bất cập. Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được triệt để. Tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất nông nghiệp và rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn phát sinh tăng, chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu...

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, các vấn đề phức tạp về môi trường trên địa bàn tỉnh sẽ còn tiếp tục nảy sinh. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đòi hỏi sự đồng thuận, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường và của cả cộng đồng.

Lê Thị Hải Yến

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày