Chủ nhật, 05/05/2024, 11:28[GMT+7]

Thị trấn Vũ Thư xử lý triệt để rác thải sinh hoạt

Thứ 2, 08/10/2018 | 08:54:17
1,765 lượt xem
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, xử lý rác thải, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Công nhân cào tro xỉ sau khi đốt rác.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Công tác thu gom rác thải được địa phương triển khai hiệu quả từ nhiều năm nay. Mỗi tổ dân phố đều có một người đảm nhận việc thu gom rác thải về nơi tập kết rác. Hàng năm, UBND thị trấn triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải và thống nhất mức phí thu gom rác thải sinh hoạt của người dân. MTTQ, hội phụ nữ được giao vai trò chủ đạo cùng với các đoàn thể khác và tổ dân phố thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để thành lập tổ thu gom rác thải theo cơ chế tự cân đối thu, chi. Đài Truyền thanh thị trấn thường xuyên tuyên truyền về nếp sống ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường từ gia đình đến các ngõ, khu dân cư. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian thực hiện, bà con nhân dân đã đồng tình hưởng ứng, góp phần làm thay đổi những thói quen xấu, vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện thì nhu cầu tiêu dùng cũng gia tăng… khiến lượng rác thải cũng tăng đột biến. Bãi rác thải chôn lấp diện tích nhỏ, gần khu dân cư quá tải. Năm 2014, UBND thị trấn đã phối hợp với UBND xã Hòa Bình tổ chức theo mô hình liên kết quy hoạch, đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt trên diện tích 6.800m2 gồm nhà điều hành, khu phân loại và xử lý rác, công suất 500kg rác/giờ, tối đa 12 tấn rác/ngày. Tổng kinh phí xây dựng trên 5,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, huyện 1 tỷ đồng còn lại là ngân sách địa phương. Sau 4 năm hoạt động, lò đốt rác đã xuống cấp, rác đốt không triệt để, chỉ đạt 30 - 40% nên lượng rác tồn đọng nhiều, gây bức xúc trong nhân dân.

Để giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh, UBND thị trấn Vũ Thư đã kêu gọi xã hội hoá đầu tư vào khu xử lý rác thải tập trung. Năm 2017, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bimivina đã đầu tư lò đốt rác thải tại thị trấn Vũ Thư với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. 

Lò đốt Bimivina do Công ty sản xuất đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận đăng ký sở hữu trí tuệ; Trung tâm Kỹ thuật môi trường và an toàn hóa chất công nhận các thông số khói bụi, hơi khí độc của lò thải ra đạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT cho phép. Lò đốt có công suất 80 tấn/ngày, được thiết kế nguyên khối, hình tháp đứng. Rác sau khi tập kết về khu nhà chứa liệu được 2 công nhân cào vào phễu tiếp liệu, qua hệ thống băng truyền lên phễu cấp liệu. Lò đốt vận hành bằng cơ khí bán tự động khép kín từ cấp liệu, đẩy liệu và ra xỉ. Bên trong lò có hệ thống sàn sấy nên đốt triệt để được rác tươi. 

Ưu điểm của lò là rác đưa về không cần phân loại, phơi mà đưa ngay vào lò đốt, rác đốt triệt để đạt 100%. Với việc duy trì nhiệt độ cao, ổn định, tăng dần từ buồng sơ cấp lên buồng thứ cấp, đồng thời có hệ thống xử lý dập khói, bụi gồm nhiều dàn mưa, nước cặn sẽ được thu gom về bể xử lý tuần hoàn và tái sử dụng nên hàm lượng dioxin và furan, mùi hôi thối được loại trừ hoàn toàn, các chất khi sinh ra trong quá trình cháy tại buồng sơ cấp cũng được đốt triệt để trước khi ra ngoài môi trường. 

Sau 4 tháng đi vào hoạt động, lò đốt rác đã giải quyết triệt để tình trạng rác thải ứ đọng, không gây lãng phí quỹ đất, không ảnh hưởng đến môi trường. 

Ông Vũ Tiến Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bimivina cho biết: Là người con quê hương, trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, 3 năm qua, Công ty đã cung cấp một số lò đốt rác thải sinh hoạt cho các xã trên địa bàn tỉnh. Tại thị trấn Vũ Thư, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cho thị trấn và xã Hoà Bình. Hiện lò mới hoạt động đạt 20% công suất và có khả năng xử lý rác thải sinh hoạt thêm cho từ 8 - 10 xã.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Thư thì lò đốt rác Bimivina hoạt động rất hiệu quả, xử lý 100% rác thải, không phải quy hoạch quỹ đất nhiều để chôn lấp. Rất mong mô hình này được nhân rộng để giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày