Thứ 3, 23/07/2024, 02:22[GMT+7]

Vì sao khó phân loại rác thải tại nguồn?

Thứ 3, 27/08/2019 | 08:38:21
1,935 lượt xem
Chuyện phân loại rác thải (PLRT) tại nguồn đã được giới thiệu, tuyên truyền tại các địa phương trong tỉnh từ cách đây hơn 10 năm với mong muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn thải. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa thể đi vào đời sống. Vì sao vậy?

Rác thải sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn thành phố Thái Bình được thu gom về khu xử lý tập trung.

Nơi tích cực, chỗ thờ ơ

Từ nhiều năm qua, mỗi cuối tuần, người dân các thôn ở xã Duy Nhất (Vũ Thư) lại í ới gọi nhau xách bao, túi, thùng đi “tặng rác” cho tổ phụ nữ để bán, lập quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo. 

Chị Vũ Thị Thương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Văn Lang chia sẻ: Bà con đã quen với hình ảnh “xe thu gom rác tái chế” của phụ nữ nên xe đẩy đến đâu bà con tự mang các loại chai lọ, sách báo cũ, vỏ lon... ra xếp gọn gàng lên xe. Nhiều năm nay, từ khi phong trào thu gom, PLRT tại nguồn được phát động, phụ nữ các thôn hưởng ứng tích cực. 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động từ mô hình đã thu gom được gần 1 tấn phế liệu các loại, số tiền thu được đưa vào quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo.

Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình triển khai thí điểm mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” tại phường Phú Khánh và phường Bồ Xuyên; đã trao tặng 60 thùng đựng rác với 2 ngăn chứa rác vô cơ và rác hữu cơ cho 60 gia đình hội viên, phụ nữ. Mô hình đã phát huy tác dụng, làm thay đổi nhận thức của chị em trong việc PLRT tại nguồn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đây chỉ là mô hình thí điểm và chưa được nhân ra diện rộng.

Cứ khoảng 18 giờ, chị Nguyễn Thị Quế, khu đô thị Petro lại đem túi nilon đựng rác thải sinh hoạt của gia đình để trước cửa nhà, sau đó xe thu gom rác của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình đến thu gom đưa về nơi xử lý. 

Chị Quế cho biết: Tất cả rác sinh hoạt, thức ăn thừa, bát vỡ cho đến bóng đèn hỏng... đều được gói gọn trong một chiếc túi, không hề có sự phân loại nào. Nếu chúng tôi có phân loại tại nhà thì nhân viên thu gom cũng để lẫn vào nhau. 

Chị Trần Thị Thoa, nhân viên thu gom rác thải tại phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) cho biết, việc PLRT tại nguồn của người dân hiện nay hầu như không có. Tất cả rác đều được để trong túi nilon, nhiều nơi người dân vứt ngay bên đường.

Cơ chế, chính sách đồng bộ

Mỗi ngày, toàn tỉnh thải ra khoảng 700 - 800 tấn rác thải rắn sinh hoạt, phần lớn được thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp tại các bãi rác; một phần rất nhỏ được phân loại, tái sử dụng. Hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có nhà máy xử lý rác thải thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) do Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt vận hành xử lý tái chế rác thải sinh hoạt thành hạt nhựa và phân bón hữu cơ. Nhà máy xử lý rác thải cho 16 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ, công suất 50 tấn/ngày. Rác thải được đưa về nhà máy, sau đó phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải rắn. Qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh phục vụ nông nghiệp; túi nilon được tái chế thành hạt nhựa với trên 18.000 tấn nhựa/năm cung cấp cho các nhà máy chế biến nhựa công nghiệp. 

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Công tác PLRT tại nguồn trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ dừng ở việc các hộ dân phân loại một số rác thải có thể tái chế, còn những rác thải khác vẫn đang được gom bỏ chung; người dân chưa có thói quen PLRT, lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải. Để việc PLRT hiệu quả cần 2 xe để thu gom, 2 ô tô vận chuyển và 2 cơ sở xử lý riêng. Người dân đã PLRT nhưng đơn vị thu gom đổ chung các loại rác vào cùng một xe vận chuyển thì việc PLRT không còn hiệu quả. Hơn nữa, việc triển khai PLRT tại nguồn lại thực hiện không đồng bộ tại các địa phương nên không tạo được tính liên tục và thói quen cho người dân. Mặt khác, công tác tổ chức lại hệ thống thu gom còn nhiều khó khăn do có nhiều cá nhân, tổ chức cùng tham gia thu gom.

Để việc PLRT dần trở thành ý thức thường ngày của người dân, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về PLRT tại nguồn, các địa phương cần tăng cường nguồn lực, đầu tư trang thiết bị cho hoạt động phân loại và thu gom rác thải theo phân loại. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia PLRT; đầu tư các cơ sở tái chế rác có đủ năng lực tiếp nhận và tiếp tục phân loại, tái chế toàn bộ lượng rác thải được phân loại sơ bộ từ nguồn. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, phù hợp cho việc xử lý rác thải sinh hoạt, qua đó góp phần bảo đảm môi trường sạch, đẹp.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa