Thứ 2, 23/12/2024, 00:51[GMT+7]

Chung tay chống rác thải nhựa

Thứ 6, 20/09/2019 | 10:23:47
1,358 lượt xem
Cứ vào tuần thứ ba của tháng 9 hàng năm, khắp nơi trên thế giới lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như thu gom, xử lý, tái chế chất thải; phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng… Chiến dịch năm 2019 được Liên hợp quốc tập trung vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, theo đó khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.

Thu gom rác thải biển cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải).

Tại Việt Nam, hưởng ứng chiến dịch năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn chủ đề cho chiến dịch là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi cả hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa tại địa phương mình. Từ đó quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thực tế hiện nay, việc lạm dụng sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.

Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đồng loạt tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động như: không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; treo băng rôn, pa nô tại các tuyến đường chính, cơ quan, trường học, doanh nghiệp và khu vực đông dân cư. Đồng thời, phát động các phong trào: ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, ngày không sử dụng túi nilon. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, từng bước giảm đến mức thấp nhất, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Đặc biệt, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng... 

Học sinh Trường THCS Văn Lang (Hưng Hà) tham gia vệ sinh môi trường hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải cho biết: Là huyện ven biển, có chiều dài bờ biển trên 23km, người dân Tiền Hải ngoài việc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp còn có nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, chính vì vậy làm thế nào để kinh tế các hộ dân phát triển mà không làm gia tăng tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường là điều rất quan trọng. Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay với chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, hướng tới sự chung tay của cộng đồng trong việc chống lại ô nhiễm từ rác thải nhựa, các địa phương trên địa bàn huyện sẽ tổ chức các hoạt động ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom rác thải tại bãi biển cồn Vành.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ ba tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch từ năm 1994; đến nay đã được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo nhân dân hưởng ứng thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa