Thứ 3, 23/07/2024, 02:33[GMT+7]

Nỗ lực quản lý rác thải y tế

Thứ 2, 23/09/2019 | 09:14:02
1,965 lượt xem
Chất thải y tế chứa nhiều mầm bệnh, nếu không được xử lý đúng quy trình thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, việc quản lý, xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực.

Rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thu gom triệt để.

Trong các loại rác thải thì chất thải y tế, nhất là chất thải y tế rắn nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường cao nhất. Để triển khai có hiệu quả các quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, UBND tỉnh về việc xử lý chất thải y tế trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngành Y tế đã cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động. Hàng năm, Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế của đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, các bệnh viện phát sinh khoảng 600kg chất thải rắn nguy hại và gần 3.000m3 nước thải y tế. Với số lượng chất thải y tế phát sinh đó việc thu gom phân loại, xử lý đã được ngành Y tế tỉnh Thái Bình chú trọng ngay tại các cơ sở phát sinh, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, ô nhiễm đến môi trường xung quanh. Toàn tỉnh đã có 21/26 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hợp khối AAO, công nghệ Nhật Bản, do đó hầu hết các chỉ số kiểm định chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn. 5 bệnh viện còn lại đang tập trung hoàn thành hệ thống xử lý và đi vào sử dụng vào cuối năm nay. Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai thực hiện quy định trong việc xử lý rác thải y tế. Để làm tốt công tác quản lý rác thải y tế, Sở Y tế đã tổ chức giám sát, kiểm tra thường kỳ (kiểm tra 6 tháng và 1 năm tại các cơ sở y tế). Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế không đúng quy định. Còn tại các cơ sở y tế, các khoa, bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn của Sở cũng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra nhắc nhở trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đúng quy định.


Lâu nay việc phân loại rác thải y tế ở các bệnh viện đa khoa hay tại các phòng khám bệnh ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh trên địa bàn đã đi vào nền nếp và được cán bộ, y bác sĩ của các khoa, phòng ở mỗi cơ sở y tế thực hiện việc phân loại rác thải y tế khá cẩn thận. Tất cả các chất thải y tế bao gồm chất thải lây nhiễm, chất thải tái chế, chất thải thông thường đều được phân tách rõ ràng từng loại ngay khi khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân tại từng khoa, phòng trước khi đưa đến điểm tập kết chất thải y tế của cơ sở. Bác sĩ Nguyễn Tiến Úy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực cho biết: Tại mỗi khoa, phòng trong bệnh viện đều đặt các thùng và túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định cho từng loại rác thải và có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí cần thiết. Việc phân loại và thu gom chất thải y tế nguy hại tại các khoa, phòng đều do các nhân viên y tế tại Bệnh viện thực hiện. Sau khi phân loại, thu gom, các loại rác thải sẽ được vận chuyển cẩn thận, an toàn từ các khoa, phòng về nơi lưu trữ riêng biệt. Tại đây, khu vực lưu trữ rác thải y tế nguy hại được bố trí trong kho riêng bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, có tủ bảo ôn để bảo quản các mẫu bệnh phẩm nguy hiểm trước khi đưa đi xử lý. Khâu cuối cùng là bàn giao, vận chuyển xử lý chất thải y tế đã được Bệnh viện hợp đồng với các đơn vị có chức năng, đã được cấp giấy phép vận chuyển và xử lý. Là bệnh viện hạng nhất, quy mô lớn nhất tỉnh nên trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị bệnh cho khoảng 1.500 bệnh nhân. Hàng ngày, Bệnh viện thải ra khoảng trên 1 tấn rác thải các loại, trên 600mnước thải. Đây là nguồn gốc ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, nhất là nước thải từ các khu xét nghiệm, X quang, phòng cấp cứu... Bác sĩ Nguyễn Văn Khoa, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Công tác quản lý, xử lý chất thải y tế luôn được bệnh viện chú trọng triển khai thực hiện thông qua việc ban hành nhiều quy định và tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nhân viên thu gom, phân loại, xử lý rác thải y tế theo đúng quy định. 100% các khoa đã phân loại đúng chất thải từ nơi phát sinh, không còn chất thải nguy hại lẫn vào chất thải sinh hoạt. Chất thải sau khi thu gom, vận chuyển về khu vực lưu kho, có sổ theo dõi hàng ngày và được thực hiện tiêu hủy định kỳ. Đối với nước thải, trung bình mỗi ngày Bệnh viện phát sinh trên 600m3 và được xử lý bằng công nghệ AAO với công suất xử lý 1.000m3/ngày đêm, đạt tiêu chuẩn loại B, trước khi xả vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của thành phố Thái Bình.


Với sự quan tâm của tỉnh và sự chủ động của các đơn vị y tế trong việc đầu tư, vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế, Thái Bình đã ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường từ chất thải y tế, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.


Minh Nguyệt

  • Từ khóa