Thứ 2, 23/12/2024, 05:29[GMT+7]

Tái chế rác thu tiền tỷ

Thứ 6, 01/11/2019 | 19:46:19
2,471 lượt xem
Biến những thứ đã bỏ đi thành sản phẩm hữu ích cho xã hội - đó là cách anh Phạm Văn Năm ở thôn Đắc Chúng Nam, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) đã làm thành công từ năm 2006 đến nay, mang lại doanh thu cho cơ sở do anh làm chủ hơn 30 tỷ đồng/năm.

Cơ sở tái chế rác của anh Phạm Văn Năm.

Đầu năm 2015, khi sản phẩm tấm lót container không còn phù hợp với nhu cầu thị trường, anh Năm đã nhanh chóng tìm hướng đi khác cho cơ sở tái chế rác của mình. Nhận thấy việc các bao bì đựng xi măng, nông sản sau khi sử dụng thải trực tiếp ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm, anh quyết định chuyển trọng tâm sang lĩnh vực tái chế bao bì và các sản phẩm dư thừa từ các nhà máy sản xuất vỏ bao. 

Theo anh Năm, sản phẩm đầu vào của cơ sở chủ yếu là vỏ bao xi măng đã qua sử dụng và các sản phẩm bao bì lỗi từ các nhà máy sản xuất bao bì đựng xi măng và nông sản. Những bao bì phế thải này được thu mua và phân loại, sau đó được làm sạch qua máy giặt nguyên liệu, đưa vào máy nghiền thủy lực, đến giàn vớt nguyên liệu, qua máy tạo sợi rồi đến máy cắt, đóng gói. Đối với những bao bì phế thải màu trắng được dùng làm hạt để kéo sợi sản xuất bao bì đựng xi măng; các bao bì màu được tạo sợi để dệt thành các loại bao đựng nông sản. Trung bình mỗi tháng cơ sở thu mua trên 600 tấn bao bì phế thải và các đồ thừa trong quá trình sản xuất bao bì của các nhà máy để về tái chế cung cấp cho thị trường từ 180 - 250 tấn phôi nhựa và trên 400 tấn bột giấy tách từ các bao bì phế thải để sản xuất các loại bìa cát tông. Anh Năm cho biết, trong thời gian tới anh sẽ mở thêm 1 nhà máy với công nghệ hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất của cơ sở.

Tại cơ sở, nước thải sẽ được thu hồi, xử lý qua 6 bể lắng đạt tiêu chuẩn loại B rồi quay trở lại quá trình rửa ban đầu. Hiện tại cơ sở tạo việc làm ổn định cho trên 50 lao động và hơn 200 lao động thời vụ tại các địa phương lân cận. 

Là 1 trong hơn 200 lao động làm việc tại cơ sở, chị Phí Thị Quy (thôn Trực Tầm, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương) phấn khởi cho biết: Tôi làm việc ở đây đã được hơn 5 năm, công việc rất ổn định, được bao ăn buổi trưa, nghỉ ngày lễ, tết theo đúng quy định. Thu nhập của chúng tôi đạt từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, mỗi tháng còn được thêm 600.000 đồng tiền chuyên cần và được đóng bảo hiểm đầy đủ.

Cũng theo anh Năm, mỗi tháng sản xuất phôi nhựa mang lại cho cơ sở doanh thu trên 3 tỷ đồng và 280 triệu doanh thu từ bột giấy. Một cơ sở sản xuất diện tích tương đương với 1 nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt trung bình mỗi tháng xử lý được 600 tấn rác thải nhựa. Hiệu quả bước đầu mô hình này mang lại là lời giải cho nhiều địa phương trong việc xử lý rác thải.

Đánh giá hiệu quả mô hình tái chế rác của anh Năm, ông Phạm Hùng Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết: Anh Năm là người đầu tiên đưa công nghệ giặt đập bao bì về địa phương. Cơ sở hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài chú trọng phát triển kinh doanh, anh Năm còn tham gia tích cực các phong trào của địa phương như tặng quà khuyến học, tặng quà cho người cao tuổi và chung tay xây dựng hệ thống điện, đường ở địa phương.

Rác thải không phải là thứ bỏ đi; tái chế, tạo vòng tuần hoàn cho rác thải, biến rác thải thành hàng hóa chính là phương thức làm giàu mà anh Phạm Văn Năm đã thành công.

Vũ Đông
(Đài TTTH Kiến Xương)

  • Từ khóa