Thứ 3, 23/07/2024, 06:13[GMT+7]

Tái chế vật dụng cũ thành đồ dùng dạy học

Thứ 6, 22/11/2019 | 08:39:21
11,173 lượt xem
Từ những vật dụng cũ, không dùng được, các thầy cô giáo Trường THPT Bắc Đông Quan đã tái chế thành đồ dùng dạy học, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào thiết kế đồ dùng dạy học được thực hiện từ nhiều năm nay, trở thành nét đẹp của nhà trường.

Giáo viên Trường THPT Bắc Đông Quan chuẩn bị các thiết bị dạy học tự làm.

Việc thiết kế đồ dùng dạy học của các thầy cô giáo Trường THPT Bắc Đông Quan được tổ chức vào dịp 20/11 hàng năm. Thầy giáo Phan Văn Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy là mục tiêu hướng tới nền giáo dục hiện đại của nhà trường. Trong từng bài học, giáo viên không chỉ dừng lại ở đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn phải sáng tạo ra những đồ dùng dạy học, giúp học sinh tiếp thu nội dung bài học trực quan, sinh động, hiệu quả. Hiện nay, thiết bị, đồ dùng dạy học đã được ngành Giáo dục cung ứng nhiều cho các trường học, song cũng mới đáp ứng phần cơ bản để giáo viên có thể khai thác nội dung bài học trên cơ sở đề cương kiến thức. Giáo viên muốn dẫn dắt học sinh tìm hiểu sâu về kiến thức trong từng nội dung bài học đòi hỏi phải nghĩ và tự làm ra những thiết bị, đồ dùng để kích thích sự khám phá của học sinh. Thầy giáo Phan Văn Dân, Bí thư Đoàn Trường THPT Bắc Đông Quan chia sẻ: Việc thiết kế các mô hình hỗ trợ cho việc giảng dạy của chúng tôi nhằm giúp học sinh nắm bài và khắc sâu kiến thức hơn. Có những thầy cô giáo rất tâm huyết, mày mò để tạo ra tấm bản đồ tư duy; lại có những thầy cô giáo say mê với những vật dụng cũ để tái chế lại thành đồ dùng dạy học. Dù đồ dùng, thiết bị nào thì chúng tôi luôn được nhà trường ghi nhận và đánh giá cao.


Hiện 100% giáo viên Trường THPT Bắc Đông Quan đã tự thiết kế đồ dùng dạy học. Bình quân mỗi thầy cô thiết kế một sản phẩm, tuy nhiên, cũng có những thầy cô đã thiết kế đến 3 đồ dùng dạy học. Cô giáo Đặng Thị Thanh, giáo viên môn Công nghệ chia sẻ: Với những đồ dùng, thiết bị dạy học cầu kỳ thì cũng phải mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, một thiết bị tự làm sẽ được bổ sung vào kho thiết bị của nhà trường và sử dụng cho nhiều năm giảng dạy nên hiệu quả rất cao. Trong dịp này, cô giáo Thanh có 2 sản phẩm do chính cô tự thiết kế là mô hình sản xuất khí sinh học và mô hình giàn trồng cây hình tháp. Cô giáo Đặng Thị Thanh chia sẻ thêm: Sản xuất khí sinh học là mô hình thu nhỏ của hầm biogas. Tôi đã tận dụng các sản phẩm phế liệu như: săm ô tô, bình nước lọc 20 lít và một đoạn ống nhựa mềm để thiết kế mô hình. Mô hình không chỉ giáo dục kiến thức liên quan như sản xuất khí gas mà còn bảo vệ môi trường do rác thải nhựa và chất thải vật nuôi. Đối với giàn trồng cây hình tháp, tôi đã thiết kế để thuận tiện cho việc di chuyển giữa các lớp, giúp học sinh hiểu về quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh, từ đó phát triển tư duy, phát triển năng lực phẩm chất học sinh. Thực tế cho thấy, qua các tiết dạy học có sử dụng đồ dùng, thiết bị tự chế của các thầy cô giáo, học sinh rất hào hứng và chủ động tiếp thu kiến thức.


Em Phạm Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan cho biết: Chỉ cần nhìn thấy các thầy cô giáo cầm theo một thiết bị dạy học vào lớp, chúng em đã rất hào hứng muốn học rồi. Mỗi tiết học như vậy, em hiểu bài nhanh hơn, lớp sôi nổi hơn. Trong những tiết thực hành thí nghiệm, các thầy cô giáo cũng giao nhiệm vụ cho chúng em tham gia làm những đồ dùng để làm cơ sở đối chiếu. Điều này đã kích thích trí khám phá và nghiên cứu khoa học của học sinh. Hơn nữa còn giúp chúng em dễ dàng tiếp thu kiến thức và yêu thích môn học hơn. Thầy giáo Phan Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Đông Quan cho rằng: Một tiết dạy sinh động, thu hút học sinh không chỉ dừng lại ở những phương pháp thông thường mà cần kết hợp nhiều phương tiện giảng dạy, trong đó sử dụng đồ dùng dạy học là ưu việt và hiệu quả nhất. Vì vậy, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên phát huy tính sáng tạo trong việc làm các bộ đồ dùng dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặng Anh

  • Từ khóa