Thứ 6, 22/11/2024, 16:29[GMT+7]

Hành động xanh vì cuộc sống an lành

Thứ 2, 02/12/2019 | 17:54:08
4,689 lượt xem
“Túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần khi thải ra môi trường sẽ gây tác hại vô cùng lớn không chỉ với sức khoẻ con người mà còn với môi trường, hệ sinh thái trên trái đất, nên hơn 4 năm qua, nhà trường đã tích cực hành động bằng những việc làm thiết thực phòng, chống rác thải nhựa.” Đó là chia sẻ của cô giáo Trần Thị Nhuần, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Tiến (Kiến Xương).

Các cháu Trường Mầm non Hồng Tiến hạnh phúc, vui vẻ khi được chơi những món đồ chơi do các cô giáo sáng tạo từ những sản phẩm nhựa dùng một lần.


Video: mam_non_hong_tien.mp4

Cách làm sáng tạo

Ít ai ngờ rằng, ở một xã nghèo vùng xa nhất của huyện Kiến Xương lại có một ngôi trường đẹp về cảnh quan, thân thiện với môi trường mà bất cứ ai một lần ghé thăm cũng phải trầm trồ khen ngợi và bị cuốn hút lạ kỳ. Những chùm hoa, quả, con thú ngộ nghĩnh, đồ chơi, bồn hoa, rèm chắn nắng… đều được làm từ những chai, lo nhựa, lốp cao su – những thứ tưởng là đồ bỏ đi, rác thải độc hại cho môi trường.

Cô giáo Trần Thị Nhuần, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tất cả những sản phẩm hữu ích được tái chế từ rác thải nhựa đều do ý tưởng, óc sáng tạo, sự tâm huyết, bàn tay khéo léo của cán bộ, giáo viên, các con và cả các bậc phụ huynh làm ra.

Cô và trò Trường Mầm non Hồng Tiến quây quần cùng làm đồ chơi từ những chai, lọ nhựa đã qua sử dụng.

Nhìn các cô và trò quây quần bên đống chai, lọ nhựa cùng nhau cắt, tỉa, sơn vẽ tạo ra chiếc máy bay, con trâu, con lợn, con hươu cao cổ, con thỏ và cùng vui đùa với những con thú đáng yêu chúng tôi hiểu tại sao suốt hơn 4 năm qua, hoạt động tái chế rác thải nhựa của nhà trường được duy trì lâu đến thế.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Chủ nhiệm lớp mẫu giáo 5A1 cho biết: Nguồn chai, lo nhựa chủ yếu do nhà trường tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh thu gom tại gia đình mang tới cho nhà trường. Trước khi tái chế, chúng tôi vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Với sự tâm huyết và sáng tạo của cán bộ, giáo viên, những chiếc lốp xe cao su hỏng trở thành đôi dép phục vụ hoạt động phát triển thể chất cho trẻ em.

Ngoài ý tưởng của các cô giáo, chúng tôi luôn nắm bắt xem các con thích loại cây, hoa, quả, con vật gì, từ đó nghiên cứu cách chế tạo ra chúng. Ban giám hiệu trường cũng kêu gọi phụ huynh học sinh cùng tham gia tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích phục vụ hoạt động nuôi dạy trẻ ủng hộ nhà trường, nhờ đó các sản phẩm tạo ra luôn đa dạng, sinh động, hấp dẫn.

Làm ra đồ chơi cho các con, trang trí lớp học và không gian ngoài trời với muôn vàn sản phẩm khác nhau đã mang lại cảm xúc hạnh phúc cho cô, trò và phụ huynh học sinh mỗi ngày đến trường. Vừa chơi đùa với chú thỏ được làm từ vỏ chai sữa chua, cháu Nguyễn Thế Hiển, lớp 5 tuổi nói: Lớp con có rất nhiều đồ chơi, con thích lắm!

Cô và trò Trường Mầm non Hồng Tiến chăm sóc dàn rau xanh được thiết kế từ những chai nhựa.

Mỗi ngày, cô và trò Trường Mầm non Hồng Tiến đều có buổi trải nghiệm chăm sóc vườn rau tăng gia. Những cây rau diếp, xà lách tươi xanh mơn mởn mọc lên từ trong những chai nhựa được gắn lên giàn áp sát tường nhà. Với hai giàn rau xanh làm từ chai nhựa, mùa nào trồng rau ấy, mỗi tuần nhà trường thu hoạch được 25 kg rau sạch phục vụ bữa ăn bán trú của các con.

Hiệu trưởng Trần Thị Nhuần cho biết: Bằng những vật dụng cụ thể được tái chế từ rác thải nhựa, các cô dạy cho các con sớm hình thành ý thức bảo vệ môi trường và tư duy sáng tạo biến chúng trở nên có ích cho cuộc sống. Bản thân mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường cũng trở thành tấm gương trong việc hạn chế tối đa sử dụng túi nilon, chai, lọ nhựa dùng một lần và thực hiện phân loại riêng rác thải nhựa để tái chế hoặc xử lý một cách an toàn.

Hiệu quả và lan tỏa

Từ sự sáng tạo của cô, trò và các bậc phụ huynh trong việc tái chế rác thải nhựa thành những đồ chơi, dụng cụ học tập hay vật trang trí ngoại cảnh khuôn viên nhà trường, mỗi năm Trường Mầm non Hồng Tiến tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng tiền đầu tư cho cơ sở vật chất, trong đó có tiền mua sắm đồ chơi.

Bộ đồ chơi phát triển vận động của trẻ được các cô giáo làm từ những sản phẩm nhựa, cao su đa qua sử dụng.

Thêm vào đó, vườn rau tăng gia cũng mang về cho nhà trường khoản thu từ 20 – 24 triệu đồng/năm. Trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước cấp cho nhà trường hạn hẹp (60 triệu đồng/năm) mà nhu cầu đầu tư cho đổi mới giáo dục đòi hỏi nhiều kinh phí, việc tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ giúp cho cô và trò có điều kiện chăm sóc, nuôi, dạy trẻ tốt hơn.

Năm học 2019 – 2020, nhà trường có 227 em, phần lớn trẻ phát triển ở kênh bình thường, hiện chỉ có 7 em ở thể suy dinh dưỡng, giảm 2,5% so với năm học trước.

Tấm rèm che nắng được làm từ chai nhựa – một sản phẩm độc đáo từ sự sáng tạo của cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hồng Tiến.

Nói về chương trình phòng, chống rác thải nhựa, cô giáo Trần Thị Nhuần tự hào cho biết: Từ việc tái chế rác thải nhựa trong hơn 4 năm qua, chúng tôi đã truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và nhất là hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có phòng, chống rác thải nhựa cho trẻ em – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Điều đó mới mang lại ý nghĩa lớn, hiệu quả lâu dài mà chúng tôi đang làm hôm nay.

Bồn cây hoa cảnh được làm từ những chai nhựa ở Trường Mầm non Hồng Tiến.

Được tham gia hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa cùng nhà trường, bản thân các bậc phụ huynh học sinh và người dân xã Hồng Tiến cũng hiểu được mục đích, ý nghĩa của công tác phòng, chống rác thải nhựa. Bà con nhân dân nơi đây đã hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, biết phân loại rác thải nhựa để tái sử dụng, hỗ trợ địa phương trong việc xử lý rác.

Ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Hiện nay, địa phương xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp và đốt. Khi người dân hạn chế xả rác thải nhựa, giảm lượng rác và việc xử lý cũng dễ dàng hơn, giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Sử dụng bình và cốc nước bằng Inox, Trưởng Mầm non Hồng Tiến gương mẫu trong thực hiện “nói không” với sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực “hành động xanh vì cuộc sống an lành” Trường Mầm non Hồng Tiến trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống rác thải nhựa trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Chính vì vậy, thời gian qua, có rất nhiều nhà trường đến tham quan, học tập kinh nghiệm và lan tỏa trở thành phong trào thi đua của các trường học trên địa bàn tỉnh.

Phan Lợi – Khắc Duẩn

  • Từ khóa