Thứ 7, 23/11/2024, 04:30[GMT+7]

Vũ Thư: Lợn đắt nhưng không tái đàn ồ ạt

Thứ 2, 25/11/2019 | 08:16:08
1,863 lượt xem
Những ngày qua, giá thịt lợn trên thị trường huyện Vũ Thư nói riêng và nhiều địa phương nói chung tăng cao, tác động mạnh đến hoạt động chăn nuôi và tâm lý chủ hộ chăn nuôi. Tuy phấn khởi vì giá thịt lợn tăng nhưng người chăn nuôi vẫn thận trọng khi tái đàn lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt và giá lợn trên thị trường có thể giảm nhanh.

Ảnh minh họa.

Trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi “quét” qua địa bàn, Tân Lập là một trong những xã có tổng đàn lợn thuộc tốp đầu của huyện Vũ Thư. Tuy nhiên, đến nay, theo thống kê mới nhất, cả xã chỉ còn khoảng 3.000 con lợn, trong đó lợn choai có khoảng 800 - 900 con. Lợn thịt đến kỳ xuất bán chỉ đạt vài chục con. Ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Giá thịt lợn tăng cao (đạt 75.000 - 80.000 đồng/kg thịt lợn hơi) nhưng không có lợn xuất bán càng khiến tâm lý của bà con sốt ruột, nôn nóng tái đàn với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt hoàn toàn trên địa bàn huyện, xã Tân Lập tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi hết sức thận trọng khi tái đàn lợn. Những hộ không đủ điều kiện tái đàn lợn theo quy định, xã quản lý, giám sát, không cho tái đàn. Đối với các hộ có đủ điều kiện tái đàn, xã nhắc nhở, đôn đốc thực hiện đúng các quy định về vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học, để tránh tái phát dịch bệnh. Ngoài ra, vận động các hộ thận trọng tái đàn để tránh tình trạng giá thịt lợn có thể xuống nhanh, gây thua lỗ.


Gia đình ông Hoàng Văn Trị, thôn Trà Khê, xã Tân Lập hiện có hơn 100 con lợn thịt, đạt 50 - 60kg/con. Ông Trị chia sẻ: Giá lợn tăng cao khiến đàn lợn của ông trở nên “quý như vàng”. Hàng ngày, gia đình ông đặc biệt chú trọng phòng, ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập gây hại đàn lợn, mong đến kỳ xuất bán. Quy mô chăn nuôi hiện có thể mở rộng, nhưng ông Trị chưa vội vã tái đàn số lượng lớn. Ông Trị lý giải hiện lợn con giống rất khan hiếm, giá lợn giống tăng nhảy vọt, khoảng 2 - 2,3 triệu đồng/con (7 - 8kg/con), với “đầu vào” cao như thế này, nếu vài tháng tới, giá thịt lợn giảm thì người chăn nuôi không tránh khỏi thua lỗ. Chưa kể, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn luôn đe dọa đàn lợn. Ông dự định sẽ tái đàn mới với quy mô 40 - 50% chuồng trại, có thể sẽ “thắng” nếu giá lợn duy trì cao và có thể thua lỗ nếu giá lợn xuống thấp. Tuy nhiên với số lượng này, ông vẫn kiểm soát được tình hình tài chính để có nguồn vốn đầu tư tiếp tục chăn nuôi.


Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn huyện. Tính đến ngày 10/11/2019, toàn huyện đã tiêu hủy trên 51.200 con lợn, trọng lượng trên 2,8 triệu ki-lô-gam. Đến nay, toàn huyện chỉ còn khoảng 45.000 con lợn, giảm 70% tổng đàn so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng những tháng cuối năm 2019 thiếu hụt nhiều so với nhu cầu tiêu thụ. Giá thịt lợn trên địa bàn huyện cũng tăng cao, đạt 75.000 - 80.000 đồng/kg thịt lợn hơi, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, để phát triển sản xuất, chăn nuôi lợn ổn định, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn trên địa bàn huyện và có thể bùng phát trở lại, huyện và các ngành chuyên môn khuyến cáo bà con hết sức thận trọng khi tái đàn lợn.

Giá thit lợn tăng, người chăn nuôi phấn khởi nhưng không tái đàn ồ ạt.


“Ngày 15/11/2019, UBND huyện Vũ Thư đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý hoạt động chăn nuôi lợn, cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện trong thời gian tới, trong đó chỉ đạo các địa phương chỉ được tái đàn lợn khi xã đã được UBND huyện công bố hết dịch và đã được thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn địa bàn bảo đảm đúng quy định và yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, các chủ hộ chăn nuôi phải khai báo, cam kết chăn nuôi với UBND các xã và chịu sự giám sát, quản lý của địa phương; con giống lợn nhập nuôi phải xuất phát từ cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, có hồ sơ, thủ tục kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Đối với các hộ đã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, các ngành chuyên môn trên địa bàn hướng dẫn bà con thực hiện theo quy định: để trống chuồng nuôi từ 30 ngày trở lên, đã thực hiện triệt để việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại; thực hiện nguyên tắc nhập nuôi 10% tổng đàn, sau 30 ngày tiến hành xét nghiệm nếu âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới mở rộng nuôi 100% tổng đàn. Ngoài ra, giá lợn giống tăng cao - chi phí đầu tư tăng, trong khi đó giá thịt lợn trên thị trường trong vòng 4 - 5 tháng tới nhiều khả năng sẽ giảm so với hiện tại; vì vậy, huyện khuyến cáo người chăn nuôi cần tính toán, cân nhắc kỹ khi tái đàn lợn, thận trọng khi tái đàn với số lượng lớn, tránh thiệt hại lớn trong chăn nuôi” - ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết.


Mặc dù sản phẩm thịt lợn thiếu hụt nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, giá thịt lợn đang ở mức cao, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Vũ Thư vẫn từng bước, thận trọng tái đàn lợn để phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.


Quỳnh Lưu


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày