Thứ 7, 23/11/2024, 03:59[GMT+7]

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình: Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò thương phẩm

Thứ 6, 27/12/2019 | 08:46:54
4,913 lượt xem
Xác định vai trò là cầu nối quan trọng trong chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền các cấp triển khai nhiều mô hình cây, con giống mới.

Hội thảo đầu bờ giới thiệu máy thu gom rơm rạ phục vụ chăn nuôi trâu, bò được các chủ trang trại và người dân đánh giá cao.

Qua đó giúp nông dân trong tỉnh biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, dần thay đổi các biện pháp canh tác cũ, góp phần tăng năng suất, sản lượng so với phương thức sản xuất truyền thống.


Với ý nghĩa đó, từ các nguồn vốn của trung ương và nguồn vốn của địa phương, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được Trung tâm triển khai thông qua nhiều hình thức như: đào tạo, tập huấn; xây dựng mô hình trình diễn; hội nghị đầu bờ; chuyển giao công nghệ; khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật; khảo nghiệm và xây dựng các mô hình..., qua đó góp phần không nhỏ nâng cao tư duy, nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Thông qua hoạt động này, các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, các kỹ thuật canh tác, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các mô hình sản xuất điển hình trong tỉnh được chuyển tải, giới thiệu đến người dân một cách kịp thời, đầy đủ để tham khảo, học tập và làm theo.


Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng, đòi hỏi các địa phương phải tính đến bài toán cơ cấu lại ngành Nông nghiệp cũng như chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Việc phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 14/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 2256/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của UBND tỉnh được xem là bước chuyển đúng đắn, mở ra hướng phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong thời gian tới. Để tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 07 và tạo tiền đề cho việc phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững, chúng tôi xác định công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò thương phẩm thực sự cần thiết, cấp bách. Chúng tôi đã phối hợp với Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình xây dựng các tin, bài, phát sóng hàng chục phóng sự, video clip khoa giáo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo quy trình khép kín từ chọn giống, chuẩn bị chuồng nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo, xử lý rơm, rạ làm thức ăn, vệ sinh môi trường... Tổ chức hội thảo, tham quan trong và ngoài tỉnh các mô hình chăn nuôi hiệu quả, bền vững; phát hành hàng nghìn Bản tin Khuyến nông (mỗi quý một số) để chuyển tải thông tin đến người làm công tác khuyến nông và nông dân, duy trì cập nhật thông tin thường xuyên trên website khuyennongthaibinh.vn để giúp người làm nông nghiệp tiếp cận, tra cứu thông tin khuyến nông một cách thuận tiện và nhanh chóng. Về tập huấn cho cán bộ, khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông và nông dân, đã tổ chức được trên 20 lớp với hơn 1.200 lượt người tham gia.


Ông Quách Đình Hoàng, khuyến nông viên xã Thái Thành (Thái Thụy) cho biết: Với lợi thế 7km đê, xã Thái Thành hiện có gần 300 con trâu, bò, tăng khoảng 20% so với năm 2018. Tuy nhiên, phương thức nuôi vẫn là chăn thả truyền thống, quy mô nhỏ. Qua lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức, chúng tôi nắm được quy trình kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo hướng VietGAHP, trên cơ sở đó sẽ tham mưu lãnh đạo địa phương quy hoạch, lựa chọn giống vật nuôi phù hợp cũng như hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.


Dù chỉ bắt đầu chăn nuôi từ năm 2016, tuy nhiên, trang trại của gia đình anh Đoàn Văn Cường, xã Vũ Hội (Vũ Thư) lại là một trong những mô hình điểm về chăn nuôi bò hiệu quả, bền vững. Anh Cường cho biết: Nhận thấy chăn nuôi bò có đầu ra ổn định, ít dịch bệnh, trong khi quê tôi có nhiều lợi thế cho việc trồng cỏ nuôi bò, vì vậy, năm 2016, tôi quyết định đầu tư trang trại nuôi bò sinh sản, bò lấy thịt, tiến tới xây dựng hệ thống cửa hàng chế biến và cung cấp thịt bò và các sản phẩm sạch từ bò tới người tiêu dùng. Được sự hỗ trợ của các đơn vị trong ngành Nông nghiệp, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông Thái Bình trong tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, tôi xây dựng khu chuồng trại và sân chơi cho bò, khu chứa thức ăn, khu xử lý chất thải, khu ao thả cá, khu vườn trồng cây ăn quả và cánh đồng trồng cỏ rộng trên 2ha. Đặc biệt, việc sử dụng đệm lót sinh học đã giúp tôi tiết kiệm nhiều chi phí về nhân công, thuốc thú y, giải quyết vấn đề môi trường... Đây cũng là một trong những nội dung tôi chia sẻ, tư vấn cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi triển khai áp dụng khi tới tham quan.


Để phát huy hơn nữa vai trò của công tác khuyến nông, khuyến ngư trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển chăn nuôi trâu, bò nói riêng, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp của ngành, của từng vùng, từng địa phương. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các chương trình khoa giáo, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả để tạo sự đột phá cả về tư duy và phương thức sản xuất.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày