Chủ nhật, 19/05/2024, 04:54[GMT+7]

Nông dân An Châu: Thu nhập cao từ trồng rau vụ đông

Thứ 5, 16/01/2020 | 17:44:20
1,335 lượt xem
Những năm gần đây, xã An Châu (Đông Hưng) có nhiều giải pháp mở rộng diện tích trồng rau vụ đông, tăng thu nhập cho nông dân.

Cây vụ đông ở An Châu.

Vụ đông năm nay, An Châu trồng 170ha với các cây chủ lực là su hào, bắp cải, dưa xen, súp lơ, hành, bí, xà lách... Hiện rau màu đang trong thời kỳ thu hoạch. 

Bà Nguyễn Thị Tỵ, thôn Kim Châu 2 là một trong số ít hộ nông dân đầu tiên của xã An Châu hưởng ứng phong trào trồng cây vụ đông. Sau vài vụ, bà con trong thôn, trong xã thấy trồng rau vụ đông cho thu nhập cao nên tích cực trồng theo. Hiện bà Tỵ đã cao tuổi song vẫn tiếp tục trồng 6 sào cây vụ đông ưa lạnh để có thêm thu nhập sắm sửa Tết. 

Bà Tỵ cho biết: Trồng rau thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Nhà cấy 2 sào lúa bị chuột phá chỉ thu được khoảng 2 tạ thóc, bán được khoảng trên 1 triệu đồng. Còn 2 sào rau trồng 2 lứa (lứa đầu trồng dưa xen, cải cúc, lứa sau trồng bắp cải, súp lơ, hành, cà chua…) bán được gần 10 triệu đồng. 2 sào của gia đình cùng với 4 sào mượn để trồng rau, năm nay có thể thu được gần 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 10 triệu đồng. Hiện gia đình đang khẩn trương thu hoạch rau ưa lạnh, diện tích nào nằm trong vùng chuyên màu thì tiếp tục trồng sà lách, rau diếp phục vụ dịp tết, diện tích 2 lúa sẽ làm đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa xuân. 

Trồng rau vất vả nhưng thu nhập cao nên ngoài diện tích ruộng khoán nhiều gia đình ở An Châu còn mượn ruộng của các hộ không có lao động hoặc già cả không trồng để trồng vụ đông. 

Ông Nguyễn Đình Quyền, thôn Kim Châu 2 là một trong những gia đình đó. Ông Quyền cho biết: Gia đình chỉ có 2,5 sào ruộng khoán nhưng năm nào cũng mượn thêm ruộng trồng gần 1 mẫu  rau ưa lạnh. Từ sáng sớm tới tối phải có mặt ở ruộng để chăm sóc, tưới nước cho rau nhưng thu nhập 1 sào rau bằng 4 sào lúa. Đến nay, gia đình đã thu hoạch 1 nửa diện tích, được trên 20 triệu đồng. Rau được mùa, được giá nên đời sống của gia đình cũng được nâng cao.

Vụ đông năm nay, dù vẫn được các cấp hỗ trợ về giống hạt rau, cấp đủ nước tưới cho rau và còn được hỗ trợ phân lân để bón cho rau sinh trưởng, phát triển tốt song việc trồng rau của bà con nông dân không mấy thuận lợi. Đầu vụ trời nắng khiến rau héo, chậm lớn, đến khi rau sắp cho thu hoạch thì lại bị chuột cắn phá. 

Chị Nguyễn Thị Biên, thôn Kim Châu 2 cho biết: Ngoài hỗ trợ một phần hạt giống, vụ đông năm nay mỗi sào các hộ còn được  hỗ trợ 10kg phân lân Ong Biển nhưng rau lại bị chuột phá nhiều. Để bảo vệ rau, các hộ phải mua giấy bóng về quây kín ruộng, đồng thời mua thuốc về đánh mà chuột vẫn phá hoại, nhất là su hào, bắp cải, súp lơ. HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Châu cần có giải pháp diệt chuột để giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng.  

Nếu thôn Kim Châu 1 và thôn Kim Châu 2 chỉ tập trung trồng su hào, cải bắp, súp lơ… thì ở thôn An Nạp bà con nông dân lại chuyên trồng bí xanh và bí đỏ. Thu nhập của 2 loại bí này cũng cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa. 

Ông Đào Văn Phú, thôn An Nạp cho biết: Vụ đông này, gia đình mượn ruộng trồng 2,3 mẫu bí và dưa chuột, hiện chỉ còn bí đỏ vẫn đang cho thu hoạch. Năm nay bí và dưa được mùa lại được giá nên gia đình đã thu được trên 30 triệu đồng. Đầu ra cho nông sản gia đình không phải lo vì có thương lái đến tận ruộng thu mua.

Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Khi mới phát động trồng cây vụ đông xã cũng gặp không ít khó khăn song qua vài vụ cây vụ đông khẳng định ưu thế ngắn ngày, hiệu quả cao thì các hộ nông dân đã tích cực tham gia trồng và không ngừng mở rộng diện tích. Để bà con yên tâm sản xuất, HTX lo khâu cung cấp dịch vụ như giống, đạm, lân, thuốc trừ sâu… bảo đảm chất lượng, hợp đồng bao tiêu đầu ra và cung cấp đủ nước tưới rau cho bà con. Vụ đông năm nay, HTX đã liên kết với Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển hỗ trợ bà con nông dân hàng chục tấn phân bón. Để xây dựng vùng rau an toàn, tháng 7/2019, UBND xã An Châu đã ban hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất trồng trọt được các hộ dân đồng tình, thực hiện nghiêm. Trong đó quy định địa điểm sản xuất không nằm trong vùng cảnh báo ô nhiễm; không sử dụng nước bị ô nhiễm, nước thải để rửa, sơ chế sản phẩm, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm 4 đúng…

An Châu đã thành công trong việc đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm và nếu xây dựng được vùng rau an toàn theo đúng quy định đề ra thì giá trị cây rau An Châu sẽ không ngừng tăng lên, bà con không phải lo đầu ra, thu nhập cũng sẽ được nâng lên.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày