Thứ 2, 06/05/2024, 06:11[GMT+7]

Nông sản gặp khó do Covid-19

Thứ 6, 14/02/2020 | 09:44:01
1,499 lượt xem
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy thị trường tiêu thụ không phải là Trung Quốc nhưng những nông sản của HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải) cũng đang gián tiếp gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên hiện có gần 10.000 con vịt biển 15 Đại Xuyên.

Thành lập tháng 1/2019, HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên hướng đến mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên; tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường; ổn định đầu ra sản phẩm của thành viên HTX. Chuyển đổi thành công các đối tượng vật nuôi mới giúp 39 thành viên của HTX ổn định sản xuất giữa thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát. 

Một trong những vật nuôi mới hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho thành viên là giống vịt biển 15 Đại Xuyên. Tuy nhiên, ngày 8/2 vừa qua, cùng với một số đoàn thể, thông qua các ứng dụng facebook, zalo..., HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên đã “giải cứu” 1.000 con vịt biển tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho thành viên. 

Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX cho biết: Xã Đông Xuyên có lợi thế phát triển thủy cầm, đặc biệt là chăn nuôi vịt. Giống vịt biển 15 Đại Xuyên đưa về địa phương từ năm 2018 thông qua mô hình khuyến nông được đông đảo thành viên đánh giá cao về sức đề kháng, tỷ lệ nuôi sống, khả năng thích nghi, đặc biệt ở khu vực nước lợ, chất lượng thịt ngon. Năm 2019, HTX xuất bán khoảng 1 vạn con với giá ổn định từ 42.000 - 43.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 40.000 đồng/con; so với các giống vịt truyền thống, vịt biển mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Vịt biển của HTX được bán cho các nhà hàng tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, phục vụ lượng lớn khách Trung Quốc. Dịch Covid-19 khiến các nhà hàng, quán ăn đóng cửa, ngành du lịch đóng băng, vì vậy vịt biển cũng bị “vạ lây”. Năm 2020, HTX có khoảng 2 vạn thủy cầm, gần 4.000 con gia cầm; vừa qua, chúng tôi mới “giải cứu” được 1.000 con với giá bán 28.000 đồng/kg, tính ra người dân lỗ 3.000 đồng/kg.

Cũng như vịt biển, giống vịt truyền thống giảm cả về giá và sức tiêu thụ. Cùng kỳ năm trước, mỗi ngày HTX bán ra từ 5.000 - 7.000 con nhưng hiện tại, ngày nào nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 1.000 con, giá giảm sâu còn 20.000 đồng/kg.

Ông Lương Ngọc Trìu, thôn An Cư, thành viên HTX chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên cho biết: Gia đình tôi hiện có gần 1.000 con vịt cánh trắng chuẩn bị xuất bán. Nếu giá bán duy trì như hiện nay thì người chăn nuôi đang lỗ khoảng 14.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng cũng rất khó bán vì sức tiêu thụ chậm. Bán ra không được, nhiều hộ phải nuôi cầm chừng bằng cách giãn đàn, giảm khẩu phần ăn. Bao nhiêu vốn liếng chăn nuôi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi “mang đi” hết, nhiều hộ thành viên phải vay lãi ngân hàng để tái sản xuất nhưng giờ đầu ra khó khăn, chịu cảnh “cháy nhà hai đầu”, vừa phải trả lãi ngân hàng, vừa chịu lỗ từng ngày khi nuôi vịt cầm chừng vì đầu ra ế ẩm.

“Thời gian qua, cùng với việc hỗ trợ kiến thức, HTX luôn có những định hướng trong phát triển kinh tế, điều phối việc vào đàn, tái đàn tránh tình trạng chăn nuôi tràn lan, ảnh hưởng đến quy mô chăn nuôi cũng như giá trị của sản phẩm khi xuất bán. Tuy nhiên, nằm trong ảnh hưởng chung của ngành Nông nghiệp do dịch bệnh, chúng tôi mong muốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng có các giải pháp chia sẻ, hỗ trợ người chăn nuôi như giãn nợ, miễn giảm lãi suất hay tạo điều kiện đáo hạn để người dân yên tâm sản xuất” - ông Ngô Văn Duẩn cho biết.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày