Thứ 6, 29/03/2024, 14:07[GMT+7]

Vũ Thư: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Thứ 5, 09/07/2020 | 08:47:07
4,247 lượt xem
Cơ sở vật chất được đầu tư, cải thiện; đồ dùng, đồ chơi tự làm được tăng cường theo hướng gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; trẻ học mà chơi, chơi mà học... là kết quả rõ nét nhất của ngành Giáo dục huyện Vũ Thư sau 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Tiết học của cô và trò Trường Mầm non Tân Phong (Vũ Thư).

Với cương vị Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong, chịu trách nhiệm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, cô giáo Phạm Thị Liễu luôn xác định chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong những năm học qua. Bởi thế, Trường luôn quan tâm, chú trọng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, lấy đó là nhiệm vụ then chốt, yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề. 

Cô giáo Phạm Thị Liễu cho biết: Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để tạo sự đồng tình, thống nhất, quyết tâm cao, nhà trường đã lựa chọn, phân công cụ thể, đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên phát huy hết khả năng của mình. Từ đó, đánh giá, phân loại về năng lực giáo viên một cách cụ thể, khách quan, công bằng và minh bạch; chỉ ra những mặt ưu điểm và tồn tại của từng giáo viên, để giáo viên biết vị trí của mình, cố gắng phấn đấu, nỗ lực vươn lên. Nhờ thế, 5 năm qua, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng tăng; chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ giáo viên giỏi các cấp đều đứng trong tốp đầu của huyện, 2 tổ chuyên môn đều có giáo viên nòng cốt trong các phong trào thi đua. 

Theo cô giáo Phạm Thị Liễu, hiệu quả rõ nét nhất sau 5 năm thực hiện chuyên đề là ngôi trường được thiết kế khoa học để trẻ có nơi chơi, vận động, nơi trải nghiệm, góc thực hành để hình thành và phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ cũng như năng lực thẩm mỹ.

Từ việc thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trong ngành Giáo dục Vũ Thư đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo của các nhà trường và giáo viên. Cô giáo Đặng Thị Kim Yến, giáo viên Trường Mầm non Đồng Thanh là một trong hai giáo viên của tỉnh vinh dự được tham gia hội nghị giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình trong giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầu năm học 2019 - 2020. 

Cô giáo Đặng Thị Kim Yến chia sẻ: Để đáp ứng được quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thì giáo viên phải sử dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực. Điều này đòi hỏi tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều so với dạy theo phương pháp truyền thống. Vì vậy, tôi thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức để nắm vững các kỹ thuật sử dụng từng phương pháp dạy học cụ thể. Bên cạnh đó, tôi luôn giúp trẻ tận dụng tất cả các giác quan để khám phá sự vật, hiện tượng. Đối với các phương pháp dạy học tích cực, tôi luôn vận dụng một cách khoa học, đặc biệt là các phương pháp như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, đóng vai, trò chơi, dạy học khám phá, trải nghiệm và phương pháp động não.

Bà Phạm Thị Nga, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư phụ trách bậc học mầm non cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, cấp học mầm non huyện Vũ Thư đã gặt hái được nhiều thành công. Cảnh quan trường lớp khang trang, sạch đẹp, các hoạt động trải nghiệm cho trẻ được tăng cường và tổ chức thường xuyên, giáo viên tích cực, linh hoạt, sáng tạo trong việc lựa chọn và tổ chức các hoạt động cho trẻ. Nhiều trường mầm non đã tận dụng tối đa không gian để bố trí, sắp xếp khu vực vui chơi, cải tạo hoặc xây mới góc chơi nhằm tăng thêm cơ hội cho trẻ thực hành, khám phá. Đặc biệt, một số trường mầm non đã đưa các sản phẩm làng nghề truyền thống vào trong các góc chơi của trẻ như: nghề thêu của Minh Lãng, nghề trồng dâu nuôi tằm của Hồng Lý, Hồng Phong, nghề mộc của Nguyên Xá hay nghề làm cốm của Đồng Thanh... Điều này kích thích trí tò mò, khám phá của trẻ, từ đó hình thành các kỹ năng cần thiết phù hợp với từng lứa tuổi. 

Ông Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư chia sẻ: Chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là hướng đi khoa học, sáng tạo và nhân văn; phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hội nhập hiện nay.


Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày