Thứ 4, 24/04/2024, 20:07[GMT+7]

Bộ Y tế yêu cầu điều trị kháng sinh dự phòng để kiểm soát bệnh bạch hầu

Thứ 3, 07/07/2020 | 16:46:28
775 lượt xem
Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.

Ảnh minh họa.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh.

Cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong. Tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm bổ sung vaccine Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td) đã được phê duyệt.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Đây là loại vi khuẩn có độc tố cực kỳ mạnh. Thông thường có 3 thể bệnh bạch hầu:

+ Bạch hầu họng, mũi. Bệnh thường ủ khoảng vài ba ngày sau đó có sốt, sổ mũi, viêm họng. Nếu không phát hiện và điều trị ngay, loại này sẽ phát triển thành bạch hầu thanh quản.

+ Bạch hầu thanh quản gây khó thở cấp, dẫn đến suy hô hấp.

+ Bạch hầu ác tính với các triệu chứng sốt cao, bệnh nhân mệt lả, rối loạn nhịp tim, huyết áp tụt. Nếu không xử trí kịp thời bệnh trở nên nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vaccine SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày