Thứ 4, 24/04/2024, 21:58[GMT+7]

Chủ động phòng bệnh bạch hầu

Thứ 4, 08/07/2020 | 08:23:35
2,420 lượt xem
Cùng với dịch Covid-19, bệnh bạch hầu đang khiến nhiều người lo lắng khi các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 20 trường hợp mắc, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong (tính đến ngày 6/7).

Trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần được tiêm đủ mũi, đúng lịch.

Tại Thái Bình, dù nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu song cùng với phòng, chống dịch Covid-19, công tác phòng bệnh bạch hầu cũng đã được triển khai nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các gia đình về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh và cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi.


Bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Đây là bệnh thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ song cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Biểu hiện bệnh thường có giả mạc màu trắng dày, dai, dính ở niêm mạc hầu họng, thanh quản, khi bóc ra sẽ bị chảy máu; một số trường hợp có thể xuất hiện dưới da các màng niêm mạc khác. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị biến chứng và tử vong. Trước đây, bệnh xuất hiện phổ biến ở các địa phương. Tuy nhiên từ khi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế, ghi nhận số người mắc không nhiều. Những trường hợp mắc chủ yếu là do không được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.


Tại Thái Bình, thời gian qua hệ thống giám sát y tế không ghi nhận có trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Đạt được kết quả trên là do 10 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc-xin phòng bệnh, trong đó có bệnh bạch hầu luôn đạt tỷ lệ cao trên 90%, riêng năm 2019 hơn 98%. Cùng với đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp người dân thay đổi hành vi, nhận thức về việc tiêm chủng từ đó hiểu hơn về lợi ích của việc tiêm đúng lịch, tiêm đủ mũi. Ngoài ra, ngay tại cơ sở, công tác tiêm chủng cũng được quan tâm, vào cuộc tích cực.


Tuy nhiên, trước diễn biến bệnh bạch hầu tại một số địa phương hiện nay thì việc phòng bệnh không thể chủ quan, lơ là. Bởi bệnh bạch hầu dễ lây qua đường hô hấp bằng việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Do đó, cùng với các giải pháp của ngành Y tế như: tuyên truyền cho người dân về vắc-xin phòng bệnh và cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tại các cơ sở y tế; thông tin cho hệ thống giám sát y tế phòng, chống dịch cả tỉnh về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, bạch hầu nói riêng; đẩy mạnh việc vệ sinh môi trường ở các địa phương... người dân cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành Y tế.


Bác sĩ Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Bệnh bạch hầu là một trong những bệnh lây truyền nhanh. Khi xuất hiện bệnh nhân nhiễm phải tiến hành cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay. Hiện nay, bệnh đã có vắc-xin phòng nên người dân cần tiêm đủ, đúng mũi, đúng lịch. Bên cạnh đó, để chủ động phòng bệnh, người dân cần thường xuyên vệ sinh cá nhân bằng việc rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hô hấp. Việc vệ sinh môi trường sống xung quanh rất quan trọng. Môi trường sống ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây thành dịch. Do đó, mỗi gia đình, trường học cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần phải cách ly và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nếu không có việc thực sự cần thiết thì không nên đi đến vùng có dịch.


Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày