Thứ 7, 20/04/2024, 05:55[GMT+7]

Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030

Thứ 5, 02/07/2020 | 14:21:15
4,620 lượt xem
LTS: Ngày 29 tháng 6 năm 2020, UBND tỉnh ra Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030. Nội dung như sau:

Phối cảnh tổng thể Khu kinh tế Thái Bình.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với một số dự án đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong Khu kinh tế Thái Bình theo quy định tại Điều 3 của Quy định này (gọi là nhà đầu tư).

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Quy định này.

Điều 2. Quy định chung

1. Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của Trung ương, còn được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hiện hành của tỉnh và theo Quy định này.

2. Trong trường hợp các quy định trong Quy định này khác với quy định của Trung ương thì thực hiện theo quy định của Trung ương.

3. Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau thì được áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

4. Việc hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Quy định này được thực hiện sau khi dự án đăng ký hỗ trợ đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động theo đúng nội dung, tiến độ trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước.

Điều 3. Ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh

1. Các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, ít gây tác hại đến môi trường, bao gồm:

a) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

b) Dự án công nghệ cao và dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư phát triển theo quy định tại Luật Công nghệ cao.

c) Dự án sản xuất điện gió và điện mặt trời.

d) Dự án sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế.

đ) Dự án sản xuất máy nông nghiệp, ngư nghiệp; máy chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm.

e) Dự án chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.

3. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, gồm: Xây dựng chợ đầu mối nông sản, thực phẩm; chợ hạng 1; siêu thị hạng 1, hạng 2; trung tâm thương mại hạng 1, hạng 2, hạng 3; xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Chính sách ưu đãi về đất đai

1. Trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm không thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật, đơn giá thuê đất hằng năm được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) giá đất cụ thể tính thu tiền thuê đất. Trong đó:

a) Tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất là 0,6% áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề khuyến khích đầu tư nêu tại Điều 3 của Quy định này có tổng vốn đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên (không tính vốn lưu động).

b) Đối với các dự án đầu tư khác, tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất áp dụng theo quy định chung của Khu kinh tế.

c) Giá đất tính thu tiền thuê đất là giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hằng năm theo từng vị trí đất, khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất; được công bố công khai trong quá trình thực hiện và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 hằng năm.

2. Đơn giá thuê đất đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm không thông qua hình thức đấu giá được ổn định 05 năm tính từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho thuê đất. Hết thời gian ổn định, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh điều chỉnh lại đơn giá thuê đất áp dụng cho thời gian tiếp theo theo chính sách và giá đất tại thời điểm điều chỉnh.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào

1. Tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông và hệ thống thoát nước đã qua xử lý đến chân hàng rào khu công nghiệp và các khu chức năng khác trong Khu kinh tế Thái Bình.

2. Tỉnh tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng đảm bảo cung cấp đầy đủ hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống cấp nước đến chân hàng rào khu công nghiệp và các khu chức năng khác trong Khu kinh tế Thái Bình.

Điều 6. Chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng

1. Nội dung hỗ trợ

a) Dự án đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện san lấp mặt bằng ở những vùng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa (vùng có cao độ nền dưới 1,0m trên địa bàn huyện Tiền Hải và dưới 1,5m trên địa bàn huyện Thái Thụy; cao độ nền theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được phê duyệt) được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng với mức hỗ trợ là 40.000 đồng/m2 trên tổng diện tích thực hiện san lấp; thực hiện san lấp ở các vùng không thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa (vùng có cao độ nền từ 1,0m trở lên trên địa bàn huyện Tiền Hải và từ 1,5m trở lên trên địa bàn huyện Thái Thụy) được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng với mức hỗ trợ là 35.000 đồng/m2 trên tổng diện tích thực hiện san lấp.

b) Dự án công nghệ cao và dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao có tổng vốn đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên (không tính vốn lưu động); dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng với mức hỗ trợ là 80.000 đồng/m2 trên tổng diện tích được san lấp.

c) Các dự án thực hiện san lấp mặt bằng trong Khu kinh tế Thái Bình được tỉnh ưu tiên cho tận dụng nguồn vật liệu tại chỗ (cát) để phục vụ san lấp.

d) Trường hợp các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng và đã được hưởng chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng thì nhà đầu tư thứ cấp không được hưởng chính sách hỗ trợ này.

2. Điều kiện để được hỗ trợ

Nhà đầu tư được xem xét hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

a) Nhà đầu tư phải đăng ký trước kế hoạch và nhu cầu hỗ trợ với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và được chấp thuận đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

b) Dự án đã thực hiện xong 100% hoạt động san lấp mặt bằng như cam kết trong kế hoạch; dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.

3. Thời gian thực hiện hỗ trợ

Tỉnh thực hiện hỗ trợ cho nhà đầu tư trong vòng 05 năm kể từ ngày nhà đầu tư có đơn đề nghị nhận hỗ trợ và có đủ các điều kiện nhận hỗ trợ.

Điều 7. Chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp

1. Nội dung hỗ trợ

Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng không quá 7 tỷ đồng cho một cụm công nghiệp; không quá 20 tỷ đồng cho một khu công nghiệp có diện tích dưới 300ha; không quá 25 tỷ đồng cho một khu công nghiệp có diện tích từ 300ha đến dưới 500ha; không quá 30 tỷ đồng cho một khu công nghiệp có diện tích từ 500ha trở lên.

2. Điều kiện để được hỗ trợ

Nhà đầu tư được xem xét hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

a) Phải đăng ký trước kế hoạch và nhu cầu hỗ trợ với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và được chấp thuận đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

b) Nhà đầu tư được nhận hỗ trợ khi hệ thống xử lý nước thải hoàn thành và đi vào hoạt động đạt tối thiểu 50% công suất thiết kế trở lên.

3. Thời gian thực hiện hỗ trợ

Tỉnh thực hiện hỗ trợ cho nhà đầu tư trong vòng 05 năm kể từ ngày nhà đầu tư có đơn đề nghị hỗ trợ và có đủ các điều kiện nhận hỗ trợ.

Điều 8. Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

1. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động

a) Nội dung hỗ trợ

Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề khuyến khích đầu tư nêu tại Điều 3 của Quy định này khi tuyển dụng lao động là người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Bình và tiến hành đào tạo nghề (trình độ sơ cấp trở lên) cho những lao động này được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo. Mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/người. Kinh phí này hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp sử dụng lao động. Doanh nghiệp có thể tự tổ chức đào tạo hoặc thông qua cơ sở đào tạo. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ 1 lần theo chính sách quy định tại Quy định này.

b) Điều kiện để được hỗ trợ

Doanh nghiệp được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

Phải đăng ký trước kế hoạch và nhu cầu hỗ trợ với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và được chấp thuận đủ điều kiện nhận hỗ trợ; lao động tuyển dụng từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2020 và được tham gia bảo hiểm xã hội; có đủ hồ sơ, chứng từ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; có bản cam kết sử dụng lao động từ 60 tháng trở lên giữa doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động.

2. Hỗ trợ khuyến khích người lao động tự học và làm việc lâu dài trong doanh nghiệp

a) Nội dung hỗ trợ

Lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Bình đã tự học nghề (trình độ từ sơ cấp trở lên) và làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình được tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo là 5 triệu đồng/người. Kinh phí này hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ 1 lần theo chính sách quy định tại Quy định này.

b) Điều kiện để được hỗ trợ

Người lao động được xem xét hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Không thuộc diện đã được hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều này; có văn bằng, chứng chỉ thể hiện đã học nghề đạt trình độ từ sơ cấp trở lên; được tuyển dụng sau ngày 01 tháng 01 năm 2020 và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội 05 năm liên tục tại doanh nghiệp đã tuyển dụng (chỉ tính tại một doanh nghiệp).

Doanh nghiệp tổng hợp những lao động đủ điều kiện được hỗ trợ gửi Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh để xem xét hỗ trợ; đồng thời tiếp nhận hỗ trợ để chi trả lại cho người lao động.

Điều 9. Chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính

1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình được hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “Một cửa tại chỗ” tại Trung tâm hành chính một cửa của Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh.

2. Nhà đầu tư được thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, một đầu mối; thực hiện 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí một khoản kinh phí trong dự toán ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Quy định này trên cơ sở đề nghị của các sở, ngành và địa phương liên quan.

2. Nguồn từ ngân sách Trung ương thông qua lồng ghép vào các chương trình, chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Trung ương.

3. Nguồn kinh phí tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Khu công nghiệp Tiền Hải do Tổng công ty Viglacera đầu tư xây dựng mở rộng hạ tầng đồng bộ.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh

a) Làm đầu mối hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quy định này; định kỳ vào tháng 12 hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện, những khó khăn và hướng xử lý khi tổ chức triển khai chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, công bố và hướng dẫn các nhà đầu tư quy trình, thủ tục tiếp nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan tổng hợp và lập báo cáo kết quả thẩm tra, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch thành lập Trung tâm hành chính một cửa; cơ chế tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa tại chỗ”.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư.

b) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

c) Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xây dựng quy trình, thủ tục tiếp nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thẩm định, xác định mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư.

3. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán ngân sách theo nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình.

b) Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xây dựng quy trình, thủ tục tiếp nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thẩm định, xác định mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư.

c) Tổ chức phân bổ, thanh toán nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các cơ quan có liên quan và cho các nhà đầu tư sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án sử dụng nguồn vật liệu tại chỗ (cát) để phục vụ san lấp mặt bằng trong Khu kinh tế Thái Bình.

b) Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xây dựng quy trình, hồ sơ tiếp nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thẩm định, xác định mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư.

5. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xác định và công bố cụ thể những vùng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa (vùng có cao độ nền dưới 1,0m trên địa bàn huyện Tiền Hải và dưới 1,5m trên địa bàn huyện Thái Thụy) để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng quy định tại Điều 6 Quy định này.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xây dựng quy trình, thủ tục hỗ trợ đào tạo lao động; thực hiện thẩm định nhu cầu hỗ trợ đào tạo lao động theo quy định tại Điều 8 Quy định này.

b) Chủ trì xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động và đào tạo nghề cho lao động; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lao động.

7. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình. Nội dung và kinh phí thực hiện xúc tiến thương mại theo quy định tại Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến thương và những quy định khác có liên quan.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư và các quy trình, thủ tục tiếp nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đến các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

9. Sở Ngoại vụ

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tới các nhà đầu tư nước ngoài.

b) Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan liên quan đón tiếp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người nước ngoài; thẩm định năng lực, hoạt động thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi cần thiết.

10. Các sở, ban, ngành liên quan

a) Căn cứ phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức thực hiện các nội dung của Quy định này.

b) Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xây dựng quy trình, thủ tục tiếp nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý.

11. Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy và Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải

Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan thẩm định, xác định mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư và một số nội dung khác trong tổ chức triển khai chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Các dự án đầu tư đã được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Quy định này nếu không thực hiện đúng dự án, đúng kế hoạch đăng ký hoặc chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp khác không đúng quy định thì phải hoàn trả lại phần kinh phí đã được hỗ trợ về ngân sách nhà nước.

2. Việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung thì các nhà đầu tư, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải kịp thời phản ánh về Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày