Thứ 6, 29/03/2024, 20:24[GMT+7]

Những rào cản tích tụ, tập trung đất đai

Thứ 3, 18/08/2020 | 09:12:20
10,884 lượt xem
Tăng quy mô đồng ruộng thông qua việc thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hộ không sử dụng hoặc không muốn sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ khác thuê là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tích tụ ruộng đất trồng cà rốt tại xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ).

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn được hình thành, tạo thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. 

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, sau khi thuê, mượn ruộng, chủ sử dụng là cá nhân hay doanh nghiệp, HTX đều đã tổ chức sản xuất hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, đưa người nông dân trở thành công nhân lao động ngay trên chính thửa ruộng của mình. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 17.409,28ha đất tích tụ, tập trung để sản xuất, trong đó có 6.631,28ha đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng; 10.778ha theo hình thức hợp đồng liên kết. Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.497 tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 4.442,43ha.

Thực tế cho thấy, mặc dù các mô hình tích tụ ruộng đất hiện nay đều mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định cho các bên tham gia nhưng những khó khăn trong tích tụ đất đai đang là rào cản thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện việc tích tụ, tập trung ruộng đất tại nhiều địa phương, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Trong đó, một bộ phận nông dân vẫn tồn tại tư tưởng bảo thủ, không tổ chức canh tác, không thực hiện cải tạo... khiến đất đai bị thoái hóa, kém chất lượng, thậm chí bỏ hoang và chuyển sang làm những nghề khác nhưng vẫn giữ ruộng đất, không muốn cho thuê. 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là một trong những hình thức tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân. Để nâng cao giá trị sản xuất thông qua liên kết, bao tiêu sản phẩm, thời gian qua HTX ký kết hợp đồng bao tiêu lúa giống, lúa thương phẩm với nhiều công ty, doanh nghiệp có uy tín, đồng thời quy hoạch 6 cánh đồng mẫu với diện tích trên 300ha tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, một số hộ dân không có nhu cầu canh tác, bỏ ruộng hoang gây nhiều khó khăn cho điều hành, chỉ đạo sản xuất. Để tạo vùng sản xuất tập trung, liền vùng, để thuê lại 15ha đất bỏ hoang của 174 hộ dân, HTX đã phải tổ chức 18 cuộc họp kết hợp với tuyên truyền, vận động. Nông dân phần lớn vẫn còn tư tưởng “giữ đất”, dù không làm ruộng vẫn cần ruộng, hoặc để lại cho con cháu, hoặc có nơi dành để nhận đền bù khi có dự án, thậm chí bà con còn sợ mất hẳn ruộng khi cho doanh nghiệp hoặc cá nhân khác cho thuê, mượn.

Ngoài khó khăn về sự đồng thuận của người dân, hiện nay trên địa bàn tỉnh các mô hình tích tụ ruộng đất hầu hết là tự thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức với người dân mà chưa có ràng buộc pháp lý, dễ dẫn đến rủi ro. Trường hợp đang trong vụ sản xuất mà xảy ra mâu thuẫn, người dân đòi đất sẽ gây trở ngại cho chủ mô hình. Bên cạnh đó, thời hạn cho thuê đất cũng là một trở ngại đối với việc tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn. Đối với đất của nông dân, nếu chỉ cho thuê ngắn hạn thì doanh nghiệp không dám thuê để đầu tư vì không đủ thời gian thu hồi vốn. 

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Một vài năm trở lại đây, hình thức tích tụ, tập trung đất nông nghiệp thông qua cho thuê quyền sử dụng đất đang diễn ra sôi động, tuy nhiên, hình thức thuê lại quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư, doanh nghiệp phải hợp đồng với quá nhiều đối tượng với những điều kiện và yêu cầu khác nhau. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trên, một số địa phương đã đứng ra thuê đất của người dân để tạo quỹ đất sạch rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Cách làm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn song lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phù hợp với quy định hiện hành.

Mục tiêu đến hết năm 2025, tổng diện tích đất được tập trung, tích tụ khoảng 40.000ha; trong đó diện tích ruộng đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê quyền sử dụng đất khoảng 9.500ha, theo hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất 500ha, hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản khoảng 30.000ha. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong tích tụ ruộng đất như: hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động... Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, các tổ chức kinh tế về tích tụ ruộng đất, giải quyết tâm lý giữ đất của một bộ phận nông dân.


Ngân Huyền