Thứ 7, 20/04/2024, 18:22[GMT+7]

Tiền Hải: Khắc phục khó khăn trong nuôi trồng thủy sản

Thứ 4, 15/07/2020 | 09:44:08
2,651 lượt xem
Thời gian qua, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sinh trưởng, phát triển của các loại thủy sản. Để chủ động phòng, chống nắng nóng, giảm thiệt hại cho thủy sản, huyện Tiền Hải đã tích cực tuyên truyền đến nhân dân triển khai các biện pháp khắc phục theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Cán bộ thủy lâm sinh xã Nam Phú (Tiền Hải) kiểm tra môi trường nước tại vùng nuôi trồng thủy sản.

Dịp này, ông Trương Xuân Hùng - một hộ nuôi tôm ở xã Nam Phú đứng ngồi không yên vì nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi tôm của gia đình. Ông Hùng chia sẻ: Đến nay, lượng tôm thả trên diện tích 2ha đạt khoảng 100 con/kg. Những ngày qua, tôm không chỉ yếu, chậm lớn mà còn xảy ra tình trạng chết rải rác. Cứ nắng nóng kéo dài như thế này thì vụ tôm này rất khó khăn. Biện pháp khắc phục của ông Hùng chủ yếu là sử dụng các loại chế phẩm để phân hủy mùn bã hữu cơ, tăng cường sục khí ô xy, điều hòa nhiệt độ mặt nước và thải loại khí độc trong ao; bổ sung Vitamin C và các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm. 

Ông Nguyễn Văn Chuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: Diện tích nuôi trồng thủy sản của Nam Phú đạt hơn 1.000ha. Với những diện tích đã thả nuôi tại các vùng chuyển đổi, chính quyền địa phương đã cử cán bộ thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn và vận động người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng trong điều kiện có thể nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế. Khuyến cáo người dân theo dõi, quản lý môi trường trong ao để điều chỉnh một cách hợp lý, tránh vật nuôi bị sốc nhiệt đột ngột. Khắc phục nắng nóng bằng biện pháp bổ sung nguồn nước vào ao nuôi phải qua xử lý môi trường, không nên đưa vào trực tiếp dẫn đến môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, cộng thêm nắng nóng sẽ gây thiệt hại đối với diện tích nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản ở Nam Cường cũng lâm vào cảnh tương tự. Nắng nóng gay gắt, cộng thêm độ mặn thấp khiến tôm, cá tại các vùng nuôi chậm phát triển. Anh Nguyễn Văn Chức, thôn Chí Cường cho biết: Khi một số diện tích của các hộ nuôi thủy sản tại địa phương xảy ra tình trạng tôm chết rải rác, tôi đã kiểm tra diện tích nuôi tôm của gia đình thấy có hiện tượng tôm không lột được vỏ, bơi chậm. Để khắc phục tình trạng trên, tôi đã tăng cường sục khí ô xy, bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho tôm, đặc biệt là sục khí vào ban đêm từ 22 giờ đến 4 giờ để tăng ô xy hòa tan tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tiền Hải có tổng diện tích 5.400ha nuôi trồng thủy sản. Từ tháng 5 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, gây biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, xuất hiện nhiều mầm bệnh về môi trường vùng nuôi thủy sản. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, huyện đã tiến hành các đợt kiểm tra môi trường về các thông số: nhiệt độ, độ pH, độ mặn, độ kiềm tại các vùng nuôi trồng thủy sản để hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ thủy sản nuôi, góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản chủ động xây dựng phương án phòng, chống nắng nóng và phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản. Cử cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình, giám sát và hướng dẫn các hộ nuôi tuân thủ chặt chẽ quy trình, kỹ thuật các đối tượng nuôi. Hướng dẫn người dân quản lý tốt môi trường, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao, vùng nuôi, tình trạng sức khỏe của các đối tượng nuôi. Khuyến cáo khi thủy sản nuôi đạt cỡ thu hoạch cần chủ động thu tỉa để giảm mật độ nuôi hoặc thu toàn bộ vào thời điểm thích hợp. Yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về tác hại của thời tiết nắng nóng, mưa bão đối với sản xuất thủy sản và các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp; chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các vùng nuôi tôm bằng bể nổi, trực tiếp hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống để tránh bị thiệt hại. Khuyến cáo người dân nên bổ sung chất khoáng, Vitamin C trong khẩu phần ăn; phòng, chống dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học nhằm tạo điều kiện cho các loại sinh vật có lợi phát triển trong ao nuôi. Các ao nuôi tôm cần thường xuyên vận hành máy sục khí nhằm bảo đảm ô xy cho tôm phát triển... Khi phát hiện tôm, cá chết hàng loạt phải báo ngay cơ quan chức năng và triển khai các biện pháp theo quy định. Đối với vùng nuôi ngao cần duy trì mật độ nuôi phù hợp. Với ngao chưa đạt cỡ thu hoạch cần kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, bảo đảm mật độ nuôi. Người nuôi không nên thả ngao giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi; không nuôi ngao ở những vùng nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 6 - 8 giờ trở lên. Đối với ngao đạt cỡ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra. Để khắc phục môi trường tại các vùng nuôi thủy sản, Tiền Hải đã cấp 10.500kg Clorin để xử lý mương máng dẫn nước, một số ao nuôi tại các địa phương. Những ngày tới theo dự báo thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, do đó các hộ dân nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng cường quản lý ao, đầm, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp theo hướng dẫn của ngành chuyên môn nhằm bảo đảm an toàn đối với diện tích nuôi trồng thủy sản trong mùa nắng nóng.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày