Thứ 5, 28/03/2024, 16:07[GMT+7]

Tiền Hải: Tập trung bảo vệ nuôi trồng thủy sản

Thứ 2, 10/08/2020 | 09:23:09
2,353 lượt xem
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, những ngày qua trên địa bàn huyện Tiền Hải mưa to xảy ra diện rộng. Để bảo đảm an toàn trong nuôi trồng thủy sản, Tiền Hải đã tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế tối đa khi mưa bão xảy ra.

Các hộ nuôi trồng thủy sản huyện Tiền Hải tập trung tiêu thoát nước bảo đảm an toàn diện tích nuôi thủy sản của gia đình.

Những ngày qua, gia đình ông Trần Văn Khởi, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh đã tăng cường bảo vệ 3.000m2 ao nuôi tôm của gia đình như: đặt cống xả tràn và vây lưới chắn, cũng như chủ động các phương tiện, vật tư cần thiết để không thất thoát lượng thủy sản sắp cho thu hoạch sau khi có mưa lớn xảy ra. Ông Khởi cho biết, do hoàn lưu của bão số 2 đã có mưa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường ao nuôi tôm. Hiện nay, ông Khởi đã thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao, xử lý bằng vôi bột, thuốc khử trùng sau những trận mưa kéo dài để ổn định môi trường ao nuôi giúp cho tôm nuôi không bị sốc đột ngột. 

Không chỉ riêng hộ ông Khởi, đến nay hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Nam Thịnh đã và đang tiếp tục gia cố bờ đầm, chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó trước những diễn biến phức tạp tiếp theo của thời tiết nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có mưa bão xảy ra. 

Còn với diện tích nuôi cá vược của ông Trần Văn Phát, thôn Ngải Châu, xã Đông Minh, nhờ chủ động các biện pháp ứng phó mưa bão nên qua đợt mưa sau hoàn lưu bão số 2,1ha nuôi cá vược không bị nước tràn bờ. Tuy nhiên, lượng mưa nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cá vược, độ pH giảm, cá dễ mắc bệnh. Để khắc phục tình trạng trên, ông Phát đã tăng cường sục khí ôxy, bổ sung thêm chất dinh dưỡng, khoáng chất trong khẩu phần ăn của cá để tăng sức đề kháng, đồng thời sử dụng men vi sinh để xử lý môi trường ao nuôi.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là 5.410ha, trong đó nuôi nước ngọt 1.054ha, nước lợ 2.242ha, nuôi ngao 2.114ha. Đến nay sản lượng đã thu hoạch khoảng 10% diện tích nước ngọt, 20% nước lợ, 20% nước mặn. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hoàn lưu bão số 2 gây ra, huyện Tiền Hải đã tăng cường chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các biện pháp bảo vệ thủy sản, thông báo kịp thời tình hình mưa bão để bà con chủ động che chắn, bảo vệ thủy sản của gia đình. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát những điểm có nguy cơ ngập úng cao, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp tiêu úng, xử lý môi trường nước cũng như phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa lớn xảy ra. Khuyến cáo nông dân sau những đợt mưa lớn, thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trong ao, xử lý bằng vôi bột hoặc thuốc khử trùng cho môi trường ao nuôi. Sau mưa thời tiết chưa ổn định không nên cho thủy sản ăn thức ăn tươi sống, dễ gây ra tình trạng ô nhiễm nước ao nuôi nên giảm từ 20 - 25% so với lượng thức ăn hàng ngày. Kịp thời bổ sung các khoáng chất để ổn định môi trường, đồng thời bổ sung men tiêu hóa, Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng phòng bệnh cho vật nuôi thủy sản. Đối với khu vực nuôi ngao ngoài bãi triều cần đề phòng hiện tượng ngọt hóa của môi trường nuôi ngao do lượng nước mưa tích tụ và lượng nước mưa tiêu úng từ nội đồng đổ ra. Vì vậy, với những bãi ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên tiến hành thu hoạch ngay để tránh thiệt hại do mưa gây ra. 

Mùa mưa bão năm nay còn diễn biến phức tạp, do đó Tiền Hải yêu cầu thời gian tới các ngành, địa phương khẩn trương rà soát vùng nguy cơ ngập úng, khơi thông hệ thống thoát nước, sửa chữa, vận hành trạm bơm để chủ động giữ mực nước an toàn. Đồng thời, hướng dẫn các hộ sản xuất kiểm tra, tu bổ, gia cố bờ ao, đặt cống xả tràn, vây lưới chắn và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó, bảo đảm diện tích thủy sản an toàn trong mùa mưa bão.

Mạnh Thắng