Thứ 6, 19/04/2024, 18:36[GMT+7]

Chợ cóc - tiện nhưng không lợi

Thứ 6, 10/07/2020 | 08:30:30
7,749 lượt xem
Mặc dù đã được các địa phương, cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động và có biện pháp dẹp bỏ nhưng chợ cóc - còn gọi là chợ tự phát vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở các địa phương.

Lấn chiếm vỉa hè và lòng, lề đường bán hàng (ảnh chụp tại đường Vũ Thị Thục Nương, thị trấn Hưng Hà, ngày 2/7/2020).

Tuy có tiện...

Ngay ở trung tâm thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà), một chợ tự phát hình thành hai bên đường Vũ Thị Thục Nương chỉ cách chợ Hưng Hà khoảng 50m. Vào buổi sáng sớm, có tới hàng chục hộ và cá nhân kinh doanh các loại nông, thủy sản bày bán chật kín vỉa hè và người mua đứng dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Còn vào buổi chiều, một chợ tự phát khác ở cầu Đa Phú (thị trấn Hưng Hà) cũng tổ chức họp khiến giao thông trên tuyến đường này trở nên lộn xộn. Khi được hỏi, nhiều người mua đều cho biết là rất lo ngại tai nạn giao thông nhưng vì tiện trên đường về nên ghé vào mua cho nhanh. Chính sự tiện đó mà phần lớn công nhân làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn và một số xã lân cận sau giờ tan ca về đều không vào chợ mà lựa chọn mua hàng hóa tại một số chợ tự phát. Thực tế trên càng khiến cho các hộ, cá nhân có hàng hóa tập trung ra chợ cóc để buôn bán thay vì phải vào chợ theo quy định. 

Ông Hoàng Văn Thùy, Quyền Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà cho biết: Chúng tôi nhiều lần tổ chức lực lượng tuyên truyền, vận động dẹp bỏ chợ tự phát, thậm chí tịch thu phương tiện, hàng hóa nhưng chỉ một vài ngày sau tình trạng họp chợ lại tái diễn.

Tại xã Thái Phương (Hưng Hà), mặc dù địa phương đã quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ Mẹo có diện tích 2.300m2 với tổng kinh phí 5 tỷ đồng đủ đáp ứng nhu cầu kinh doanh và mua bán của người dân song hiện nay nhiều người dân vẫn không vào chợ buôn bán mà họp chợ ngay trên đường dân sinh ở thôn Hà Nguyên vào mỗi buổi chiều. Người dân nơi đây cho biết, mặt hàng kinh doanh ở chợ cóc này không đa dạng, chủ yếu là rau, quả và thịt, cá nhưng bà con vẫn đến mua nhiều vì tiện. Nếu đi tới chợ của xã phải mất 7km hay sang chợ Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh (Hưng Hà) cũng phải đi quãng đường hơn 1km.

Cũng vì tiện nên chợ cóc ra đời và tồn tại dai dẳng không chỉ ở một số địa phương của huyện Hưng Hà mà còn ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chợ cóc chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân nhưng lại gây bức xúc cho cơ quan quản lý nhà nước và cả cộng đồng.

Lấn chiếm vỉa hè bán hàng gây cản trở và mất an toàn giao thông.

...nhưng không có lợi

Cái không có lợi đầu tiên của chợ cóc chính là gây cản trở giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông và mất mỹ quan. Chợ cóc thường họp vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, đây là thời điểm mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông. Trong khi đó, người bán, người mua tại các chợ cóc đều lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường dẫn đến nguy cơ gây ùn tắc, mất an toàn giao thông. 

Ông Hoàng Văn Tuệ, công chức tài chính phụ trách thu phí chợ Mẹo, xã Thái Phương chia sẻ: Mỗi lần chợ cóc ở thôn Hà Nguyên họp là anh em Ban Quản lý chợ và cán bộ xã rất vất vả trong việc dẹp các hộ buôn bán trên cầu Hà Nguyên để bảo đảm an toàn giao thông. 

Còn một số hộ sinh sống gần cầu Kiến Xương (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) cho biết, tình trạng chợ cóc họp ngay trên vỉa hè và tràn xuống cả ra lòng, lề đường, cầu khiến cho người đi bộ không còn lối để đi, phải đi xuống lòng đường rất lo bị tai nạn và gây ùn tắc giao thông cục bộ vào những thời điểm mật độ phương tiện tham gia giao thông đông.

Vì chợ cóc hoạt động không có đơn vị quản lý nên sau mỗi buổi họp chợ, tình trạng nước thải, rác thải xả tràn lan, không có người thu gom, xử lý dẫn tới gây ô nhiễm môi trường. Hình ảnh túi nilon, dây buộc, vẩy cá... vương vãi khắp vỉa hè, lòng đường là cảnh ai cũng có thể bắt gặp sau mỗi buổi chợ cóc họp. 

Ông Đặng Văn Đức, thôn Hà Nguyên, xã Thái Phương cho biết: Gia đình tôi sống gần chợ cóc cầu Hà Nguyên thường xuyên phải hứng chịu mùi tanh, hôi thối do vẩy cá, đầu tôm và nước thải hàng kinh doanh thủy sản xả ra. Trong đợt dịch Covid-19 người dân đến họp chợ đông, bà con sinh sống sát khu vực chợ rất lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm nếu có người bị bệnh.

Sự tồn tại của chợ cóc chẳng những không phát huy được nguồn lực đầu tư xây dựng chợ dân sinh trong quy hoạch, gây thất thu một phần nguồn ngân sách của địa phương mà còn ảnh hưởng đến hoạt động thương mại. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Hưng Hà có 23 chợ; trong giai đoạn 2010 - 2020, các địa phương đã đầu tư nâng cấp, xây mới 20 chợ với tổng kinh phí 52,07 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, ngân sách xã và các dự án, doanh nghiệp. 

Ông Hoàng Văn Thùy, Quyền Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà cho biết: Chợ thị trấn Hưng Hà đủ hạ tầng cho các tiểu thương và người dân kinh doanh nhưng họ cố tình không vào chợ buôn bán nhằm trốn phí và lệ phí chợ. Ban Quản lý chợ bị giảm nguồn thu, địa phương cũng khó khăn trong việc tái đầu tư cơ sở vật chất và các hoạt động quản lý, điều hành chợ. Khi trao đổi với một số tiểu thương kinh doanh tại chợ Vĩnh Trà (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) về vấn đề chợ cóc, họ đều bức xúc bởi bị cạnh tranh không lành mạnh. Bởi vào trong chợ kinh doanh, các tiểu thương phải đóng một số loại phí, lệ phí, số tiền này được tính vào giá bán hàng hóa nên bao giờ cũng cao hơn một chút so với hàng hóa người buôn bán ở chợ cóc. Đặc biệt, vì tiện đường, người tiêu dùng mua ở chợ cóc khiến giảm đáng kể số lượng người vào chợ mua.

Với tất cả những điều không có lợi của chợ cóc như đã nói ở trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, thường xuyên hơn để dẹp bỏ triệt để loại hình chợ tự phát này. Và bản thân mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, không tiếp tay cho chợ cóc phát sinh, tồn tại.

Khắc Duẩn