Thứ 7, 20/04/2024, 17:13[GMT+7]

Xuất nhập khẩu “chạy nước rút”

Thứ 2, 20/07/2020 | 09:40:18
1,791 lượt xem
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Chính vì vậy, những tháng cuối năm, các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đang phải tập trung triển khai nhiều giải pháp “chạy nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu ngành hàng dệt sợi giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nhưng có nhiều triển vọng tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2020.

“Hụt hơi” vì Covid-19


Là doanh nghiệp (DN) có quy mô sản xuất lớn và phát triển ổn định trong ngành hàng dệt sợi của tỉnh nhiều năm qua nhưng 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Damsan lần đầu tiên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Dù đã nỗ lực xúc tiến thương mại, đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu nhưng hàng hóa làm ra vẫn tồn kho với số lượng đáng báo động. Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng hóa làm ra chỉ tiêu thụ được một phần dẫn tới kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 17,157 triệu USD, giảm gần 5 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.


Không chỉ Công ty Cổ phần Damsan, hơn 300 DN xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cũng bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Các ngành hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất gồm: thiết bị điện tử, xơ polyeste, sợi bông, dệt khăn bông, may mặc... Điển hình: Công ty TNHH Hợp Thành 6 tháng đầu năm xuất khẩu được hơn 7,8 triệu USD, giảm gần 50%; Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long xuất khẩu hàng may mặc đạt 0,716 triệu USD, giảm hơn 3,5 triệu USD; Công ty Cổ phần May Việt Thái xuất khẩu được hơn 6,1 triệu USD, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Thậm chí, ngay cả với nhiều DN FDI có những lợi thế về thị trường nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng bị băng bó trong hoạt động xuất nhập khẩu. Trong số đó phải kể đến Công ty TNHH May Texhong Thái Bình, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 dừng ở mức hơn 27,8 triệu USD, giảm gần 7,6 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.


Dù đã nỗ lực phục hồi sản xuất và nối lại hợp đồng xuất nhập khẩu, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu “hụt hơi” dẫn tới kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh giảm mạnh. Nguyên nhân chính là thị trường xuất khẩu của các DN chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, các nước EU và ASEAN... đều khủng hoảng do dịch bệnh bùng phát kéo dài, các đối tác cắt giảm đơn hàng hoặc trì hoãn thời gian giao hàng, không ký được đơn hàng mới. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 660,3 triệu USD, giảm 12,12% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 33% kế hoạch cả năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 623,3 triệu USD, giảm 19,92% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 35% kế hoạch cả năm 2020.


Nỗ lực tăng tốc


Theo kịch bản tăng trưởng ngành Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 ước thực hiện gần 1,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu cũng tương đương con số này. Như vậy, các DN phải phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 784 triệu USD và nhập khẩu khoảng 839 triệu USD trong 6 tháng cuối năm. Để hoàn thành mục tiêu này, các DN phải tập trung cao độ vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh vừa phải dành nguồn lực, thời gian cho hoạt động xúc tiến thương mại để nối lại đơn hàng cũ và tìm kiếm đơn hàng mới. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, mỗi DN cần chủ động xúc tiến đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường duy nhất vì khi thị trường biến động DN sẽ bị mất đơn hàng hoặc khó xuất khẩu vào thị trường đó, gây thiệt hại không nhỏ cho DN. Đặc biệt, các DN xuất khẩu cần gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ cho sản phẩm và bảo đảm các quy tắc, tiêu chí của hàng hóa để có thể thâm nhập vào các thị trường mới thuộc nhóm các nước thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.


Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, dự báo các DN vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Các cấp, ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho DN là việc làm cấp bách để tiếp sức cho DN phục hồi, phát triển, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều DN mong muốn Sở Công Thương trở thành cầu nối cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thông quan, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu, tránh tình trạng hàng hóa ra đến cửa khẩu bị ùn tắc gây thất thoát về hàng hóa, tài chính cho DN.


Từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình đã cấp khoảng 8.000 giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) các loại giúp các DN thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa và hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế quan của các nước có ký hiệp định thương mại song phương và đa phương với Việt Nam. Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: 6 tháng cuối năm, Sở sẽ tăng cường nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các DN, kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ, hỗ trợ để DN phát triển. Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, giải quyết thủ tục cấp C/O kịp thời, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN.


Hiện Sở Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu mở rộng thị trường như ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu DN, sản phẩm. Trong đó, Sở sẽ hỗ trợ DN xây dựng website; đăng tải thông tin DN, lĩnh vực sản xuất trên các cổng thông tin xuất khẩu của Bộ Công Thương; tập huấn kiến thức, kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại trên môi trường số hóa; tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. Trước mắt, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Hiệp định EVFTA, tập huấn kiến thức về quy tắc xuất xứ hàng hóa cho các DN khai thác và tận dụng ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang EU - thị trường rất nhiều tiềm năng. Với sự chuẩn bị của các DN và sự tiếp sức của các cơ quan chức năng, hy vọng kế hoạch thực hiện kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 của tỉnh sẽ về đích và tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo.


Khắc Duẩn