Thứ 6, 15/11/2024, 00:22[GMT+7]

Công ty Điện lực Thái Bình: Số hóa thu tiền điện

Thứ 5, 16/12/2021 | 09:05:15
1,202 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Bình đã nỗ lực vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình lắp đặt công tơ điện tử đo xa cho khách hàng.

Ông Phí Minh Tân, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Hiện nay, Công ty Điện lực Thái Bình đang quản lý bán điện trên địa bàn 8 huyện, thành phố với 726.995 khách hàng sử dụng điện. Để thuận tiện hơn cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện, thích ứng với dịch Covid-19, Công ty đã mở rộng liên kết thanh toán tiền điện với các ngân hàng và đối tác trung gian trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có thêm nhiều hình thức thanh toán. Việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt không chỉ giúp hiện đại hóa, thay đổi mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh của Công ty mà còn góp phần thúc đẩy các phương thức thanh toán và giao dịch điện tử giữa ngành điện với khách hàng được thuận tiện, minh bạch.

Thúc đẩy số hóa trong các khâu dịch vụ, Công ty Điện lực Thái Bình đã mở rộng kết nối, hợp tác thu tiền điện với tất cả các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép; triển khai cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và qua Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo số hóa các khâu nghiệp vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng chuyển đổi từ hình thức thu tiền điện tại điểm thu sang thanh toán qua ngân hàng, ví điện tử. Đăng ký lịch làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất đóng trên địa bàn để vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ưu tiên làm việc trước với các đơn vị có chi trả lương qua thẻ ngân hàng để xác định mục tiêu, đối tượng ưu tiên. 

Tuyên truyền các hình thức ngành điện đã triển khai tới khách hàng như: trích nợ tự động qua tài khoản các ngân hàng, SMS & Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, thanh toán trực tuyến trên website của trung tâm chăm sóc khách hàng, Viettel Pay... các đối tác trung gian thu hộ qua ví điện tử, cổng thanh toán điện tử như: Viettel Pay, Payoo, Momo, Vimo, ZaloPay, VNPay và VNPT Pay. Niêm yết công khai thông báo, tờ rơi, các mẫu đăng ký thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các ví điện tử tại trụ sở điện lực, phòng giao dịch khách hàng, các quầy thu tiền điện. Ngoài ra, trong xu thế không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, khách hàng có thể chủ động theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ hàng ngày, tự tính hóa đơn tiền điện và sử dụng dịch vụ điện ở bất cứ nơi đâu. Đây là một trong những bước tiến nổi bật trong lộ trình chuyển đổi số tại Công ty Điện lực Thái Bình lấy khách hàng làm trung tâm, đem lại sự công khai, minh bạch trong lĩnh vực kinh doanh điện và qua đó người dùng điện có thể điều chỉnh thói quen sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm hơn. Từ những thành công bước đầu của chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh, đến nay số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trong tháng 11/2021 là 382.579 khách hàng, đạt 54,88%; doanh thu thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trong tháng 11/2021 là 390,91 tỷ đồng/tổng doanh thu 473,69 tỷ đồng, đạt 82,52%.

Trung tâm điều khiển xa Công ty Điện lực Thái Bình theo dõi hoạt động quản lý hoạt động cấp điện trên địa bàn toàn tỉnh.

Để nâng cao chất lượng phục vụ và hạn chế tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động cung ứng điện, Công ty Điện lực Thái Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh điện năng, quản lý vận hành hệ thống điện. Thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; công nhân vận hành trực tiếp cấp điện cho các bệnh viện, trạm y tế, khu cách ly đều được trang bị bảo hộ lao động an toàn, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch. Thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin các khu vực giãn cách, cách ly; lập phương án bảo đảm cấp điện, xử lý sự cố lưới điện và triển khai công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng tại các khu cách ly của địa phương. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc thông báo phát sinh tiền điện, thông báo đốc nợ tiền điện qua tin nhắn SMS, zalo, email; bố trí bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn, vận động khách hàng sử dụng các kênh thanh toán không sử dụng tiền mặt. Các cuộc giao ban, họp triển khai, đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh kết nối từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đều theo hình thức trực tuyến.


Mạnh Thắng