Thứ 7, 20/04/2024, 16:34[GMT+7]

Bộ Chính trị họp cho ý kiến về xây dựng, phát triển TP Cần Thơ; tỉnh Thanh Hóa

Thứ 7, 18/07/2020 | 05:52:59
1,309 lượt xem
Ngày 17-7, tại Hà Nội, tập thể Bộ Chính trị đã họp về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45, ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Dự họp, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí trong Bộ Chính trị; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. 

Tờ trình Bộ Chính trị về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45 do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp các bộ, ngành T.Ư, TP Cần Thơ xây dựng và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp nêu rõ, giai đoạn 2006 - 2019, kinh tế Cần Thơ tăng trưởng khá, đạt mức 7,23%, cao hơn mức trung bình toàn quốc. Quy mô nền kinh tế năm 2019 lớn hơn năm lần so với năm 2005; ngân sách cân đối và có điều tiết về T.Ư; từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, thu hút nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị thực hiện tốt; văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. 

Thành phố đạt nhiều kết quả trong sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, kinh tế của thành phố phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; chưa thật sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm và chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập,...

Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị là việc làm tốt, nhất là đúng dịp Đảng bộ thành phố đang chuẩn bị đại hội. Bộ Chính trị đồng ý có một nghị quyết mới về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị trên cơ sở ý kiến phát biểu tại cuộc họp, các cơ quan, ban, ngành chức năng và Thành ủy Cần Thơ tiếp tục bổ sung, hoàn hiện báo cáo để xây dựng, hoàn thiện nghị quyết trước khi diễn ra Đại hội Đảng bộ thành phố và coi đây là một dấu ấn, tổ chức đại hội đảng bộ thật tốt đồng thời quán triệt, triển khai ngay nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo khí thế mới trong đảng bộ và các tầng lớp nhân dân của thành phố. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần tập trung phân tích thấu đáo, đánh giá đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của TP Cần Thơ ở vùng ĐBSCL, như vị trí vai trò của các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng đối với khu vực và cả nước. Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế, cần phân tích cho hết những thuận lợi, khó khăn, để định hướng phát triển và không chịu thua kém các tỉnh, thành phố khác. Cần phát huy truyền thống anh hùng, khơi dậy tinh thần yêu quê hương với quyết tâm mới, khí thế mới, huy động sức mạnh ở mọi nơi, của các nhà khoa học để xây dựng TP Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững. Về phương hướng thời gian tới, đến năm 2030, năm 2045, Cần Thơ sẽ phát triển như thế nào, cần tiếp tục đầu tư, xây dựng hoàn thiện nghị quyết thật tốt và thiết thực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cơ bản đồng ý với Tờ trình Bộ Chính trị, đến năm 2030, xây dựng Cần Thơ thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giáo dục và đào tạo... Đến năm 2045, Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.

Để đạt mục tiêu đó, cần thực hiện tốt mười nhiệm vụ, giải pháp lớn với tinh thần dựa vào nội lực là chính và có bước đột phá. Trọng tâm là làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trên cơ sở phát huy cao độ nhất tiềm năng, lợi thế không chỉ của Cần Thơ mà của cả vùng ĐBSCL. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế. Thực hiện tốt công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, hướng tới là trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng, với các tỉnh thành phố trong cả nước, hợp tác giữa các trường đại học; phát huy vai trò trung tâm và trở thành hạt nhân liên kết của vùng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế,…

Tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. 

Cùng ngày, tại Hà Nội, tập thể Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

Dự họp, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí trong Bộ Chính trị; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Đề án do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Thanh Hóa thực hiện, được xây dựng trên cơ sở báo cáo của 24 ban cán sự đảng các bộ, ngành, cơ quan T.Ư, Tỉnh ủy Thanh Hóa và một số nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, làm việc tại tỉnh, ý kiến đóng góp của các tổ chức nghiên cứu khoa học, các chuyên gia và kết quả khảo sát thực tế.

Theo báo cáo và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, 10 năm qua, kinh tế của Thanh Hóa tăng trưởng nhanh, đột phá và khá bền vững, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh dự kiến lớn hơn 4,5 lần so với năm 2010, đứng thứ tám cả nước, từng bước trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Môi trường kinh doanh dần được cải thiện, tạo đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển,… Tỉnh đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố,… Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ đạt nhiều kết quả tích cực,… Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực miền núi, hạ tầng giao thông các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thiếu, chưa đồng bộ,… Tuy có nhiều cố gắng với những kết quả đáng mừng, nhưng Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo.

Bộ Chính trị cho rằng, Thanh Hóa là tỉnh có số dân đông, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng an ninh của Tổ quốc, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Tây Bắc với Bắc Trung Bộ; có ba vùng địa lý, ba vùng kinh tế, vị trí kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế; đất đai rộng, nguồn nhân lực dồi dào, có đầy đủ các loại hình giao thông, nhiều di sản văn hóa,… Do đó, cần có một nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hướng đến năm 2030 là xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo; xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc; đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được các đại biểu chú trọng là thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực, các vùng, miền, làm cơ sở xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về nhiều lĩnh vực. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng trong và ngoài tỉnh. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển trên cơ sở tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù phù hợp để Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới,… Thanh Hóa cần phát triển mạnh cả nông nghiệp và công nghiệp, chú trọng phát triển mạnh, đúng hướng các huyện miền tây tỉnh; phát triển kinh tế biển. Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất. 

Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ yêu cầu của thực tế, Bộ Chính trị đồng ý có một nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, là tỉnh lớn, địa bàn rộng, Thanh Hóa có vị trí chiến lược rất quan trọng, nằm ở khu vực có nhiều thuận lợi, có núi, có rừng, có biển, có đồng bằng, giàu tiềm năng. Con người Thanh Hóa chịu thương, chịu khó, có truyền thống oanh liệt, vẻ vang và chính đây là vốn quý, là tiềm năng, nguồn lực lớn, để vươn lên làm giàu. Chúng ta chưa thấy hết tiềm năng ấy và “còn thiếu sự điều khiển sắp đặt” như Bác Hồ nói. Do đó, trong chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh tới đây, Tỉnh ủy cần tập trung phân tích sâu sắc những vấn đề nêu trên; xây dựng cho được chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể; khơi dậy tinh thần tự hào quê hương, đoàn kết, đồng lòng, tạo động lực cho phát triển.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải thật sự đoàn kết, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và đưa tinh thần ấy vào các văn kiện và Đại hội Đảng bộ tỉnh. Cán bộ, đảng viên phải đồng lòng, quyết tâm hết mình vì quê hương. Đồng thời, Thanh Hóa cần mở rộng hợp tác liên kết vùng, liên kết với các tỉnh để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của mình. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải đoàn kết thật sự, tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực như vừa qua. Cần lấy đó làm bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cái gì vượt quá khuôn khổ chính sách thì kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời tổ chức, thu hút nhân tài, tìm người hiến kế để xây dựng quê hương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Bộ Chính trị đồng ý ra nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, nhưng trong tổ chức thực hiện, cần có tầm nhìn và lựa chọn một số công việc ưu tiên, việc nào làm trước, việc nào làm sau, lượng sức để làm, làm từng bước, có điều hành, phân công cụ thể và kỷ luật cho nghiêm; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện nghị quyết phải có chất lượng, sắc bén, có tính chiến đấu và tính khả thi cao; mong Tỉnh ủy đưa tinh thần của hội nghị này đến với toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh và Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới để xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, không thua kém các địa phương khác

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày