Thứ 5, 25/04/2024, 09:28[GMT+7]

Phá thế ốc đảo (Kỳ 3)

Thứ 7, 18/07/2020 | 18:59:29
6,120 lượt xem
Quốc lộ 10, đường Thái Hà, đường 39, cầu Triều Dương, cầu Tân Đệ, cầu Nghìn, cầu Hiệp, cầu sông Hoá…là những công trình giao thông được xây dựng đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá. Không chỉ tạo diện mạo mới cho tỉnh mà còn là động lực để Thái Bình trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, tạo thêm đà phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thành phố Hải Phòng và đại biểu đi bộ trên cầu sông Hóa ngay sau lễ cắt băng khánh thành.

Kỳ 3: Nối dài những bờ vui

Đột phá những cây cầu

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Hồng, trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối các khu kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 110 km, cách sân bay Cát Bi và cảng biển Đình Vũ, Hải Phòng 70 km; cách cảng biển nước sâu Lạch Huyện - Hải Phòng 30 km. Nhận thấy tiềm năng to lớn đó, Thái Bình xác định để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển thì hệ thống giao thông phải đi trước một bước. Vì vậy, những năm qua, Thái Bình tập trung phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm mạng lưới giao thông, góp phần làm cho diện mạo của tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại. 

Video: clip_cac_cay_cau_WED_18_7_2020.mp4

Cầu Tân Đệ đưa vào sử dụng đã tạo thế giao thông liên hoàn, phá thế "ốc đảo" vốn ngăn cách hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, mở ra thời kỳ mới cho việc thông thương, đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế. Mặc dù năm nay đã ngoài 80 tuổi thế nhưng mỗi lần nhắc đến ngày khánh thành cầu Tân Đệ thì mọi kỷ niệm về ngày đó vẫn còn hiện hữu đối với cụ Nguyễn Văn Nghĩa thôn Tân Đệ, xã Tân Lập (Vũ Thư). Trước đây, khi chưa có cầu Tân Đệ thì việc đi lại của người dân chủ yếu là qua phà Tân Đệ, gặp rất nhiều khó khăn. Ngày khánh thành cầu Tân Đệ, nhiều người không cầm được nước mắt xúc động bởi chưa bao giờ họ dám nghĩ đến ngày có thể thong dong tản bộ qua sông mà không phải lụy đò. Tất cả những tồn tại của bến phà xưa như tắc đường, trộm cắp, móc túi… đã được giải quyết. Bà con nhân dân ai cũng vui mừng, phấn khởi. Thấm thoát đã mười mấy năm rồi. Nhanh thật! Cụ Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

 Cầu Hiệp nối 2 tỉnh Thái Bình – Hưng Yên

Video: Clip_ky_3_TRAO_DOI_wed_18_7_2020.mp4

Chỉ riêng trong năm 2014, Thái Bình đã khởi công 3 công trình cầu: Tịnh Xuyên nối hai huyện Vũ Thư - Hưng Hà, cầu vượt sông Trà Lý nối với tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam. Năm 2019, công trình cầu La Tiến nối hai bờ tả hữu sông Luộc được hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo tuyến đường xuyên suốt và nối liền hai tỉnh Thái Bình - Hưng Yên, kết nối các tuyến đường cao tốc và quốc lộ, tỉnh lộ; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn đối với việc gắn kết các trung tâm văn hóa chính trị, tạo không gian phát triển công nghiệp, đô thị và tạo điều kiện thuân lợi để giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Thái Bình - Hưng Yên, của vùng đồng bằng sông Hồng, của nhân dân hai tỉnh, hai huyện Hưng Hà và Phù Cừ.

 Cầu sông Hoá nối Thái Bình – Hải Phòng

Tăng kết nối

Không chỉ tập trung xây dựng các cây cầu để phá thế “ốc đảo”, những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Thái Bình được đầu tư khá đồng bộ, có những bước phát triển mạnh theo hướng hiện đại, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng vận tải đường bộ ngày một nâng cao, bước đầu góp phần thực hiện mục tiêu giao thông vận tải đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hệ thống đường bộ hiện nay bao phủ rộng khắp và đóng vai trò trục chính kết nối mạng lưới giữa các huyện, các tỉnh, các cảng hàng không, cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng. Đánh giá về hệ thống giao thông của tỉnh Thái Bình, nhiều doanh nghiệp khẳng định, giao thông của Thái Bình có sự liên kết với các tỉnh trong khu vực, nhất là ra cảng Hải Phòng rất thuận tiện, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hoá. 

 Thi công tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội với quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Trước đây đường vào tỉnh gần như chỉ độc đạo phải đi qua Quốc lộ 10, nếu xảy ra tai nạn tắc đường hoặc những dịp lễ, Tết di chuyển rất mất thời gian. Hiện nay, nhiều tuyến đường mới được xây dựng, mở rộng, nâng cấp như đường Thái Hà, đường 39, đường tránh S1... nên việc đi lại không còn phải lo lắng như trước. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc, Cụm công nghiệp Thái Phương (Hưng Hà) cho biết: Tuyến đường Thái Hà nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá. Rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển, qua đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bà Trương Thị Thơm, khu Nhân Cầu 2, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà) chia sẻ: Đường 39 đoạn qua địa phận huyện Hưng Hà rất nhỏ hẹp, hai bên đường không có hệ thống thoát nước, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 39 đoạn Triều Dương - Hưng Hà hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, người dân rất vui mừng, phấn khởi.

 Đường 39B.

Theo ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ thì những năm gần đây, được sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương và tỉnh Thái Bình, sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, Quỳnh Phụ đã có mạng lưới giao thông khá cơ bản với 11 km Quốc lộ 10 chạy qua nối liền Quỳnh Phụ với tam giác kinh tế năng động Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cảng biển Hải Phòng, cảng quốc tế Lạch Huyện, sân bay Cát Bi,... Trên 5 km đường Thái Hà tiêu chuẩn cấp 2 đồng bằng nối Quỳnh Phụ với đường vành đai biển và khu kinh tế biển Thái Bình - Hải Phòng. Cùng với đó là 2 tuyến tỉnh lộ 396B, 455 được làm mới và nâng cấp, giúp Quỳnh Phụ không còn ngăn cách với các tỉnh bạn. Hai tuyến đường này rút ngắn khoảng cách Thái Bình - Hà Nội chỉ còn 1 giờ 5 phút thay vì gần 3 giờ trước kia. Hệ thống đường giao thông nội huyện, đường thôn, xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. Tất cả tạo lên một hệ thống giao thông rộng khắp theo hướng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế, yêu cầu thuận tiện cho lưu thông hàng hóa của các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi về với Quỳnh Phụ.

 Đường Võ Nguyên Giáp (thành phố Thái Bình).

Những cây cầu, tuyến đường huyết mạch khớp nối được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đã hình thành mối liên kết về giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đồng thời, tạo sức bật mới trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; từng bước gỡ dần nút thắt về năng lực vận chuyển hàng hóa, liên kết vùng cũng như hoàn thiện bức tranh giao thông tỉnh Thái Bình, tạo dấu ấn đột phá trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.

Video: ba_NGUYEN_THI_MY.mp4


Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Vũ Thư)

Cầu Tân Đệ được đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho địa phương, giúp phát triển kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân nâng cao. Địa phương có đặc thù là xã trồng hoa, cây cảnh nên việc vận chuyển, đi lại rất khó khăn. Từ khi cầu Tân Đệ khánh thành cây cảnh, hoa màu đã tiêu thụ vào miền Trung, miền Nam. 


Ông Vũ Duy Ứng, thôn Bến Hiệp, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ)

Từ khi có cầu Hiệp không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại, mà còn là điều kiện quan trọng để việc giao thương được mở rộng phát triển kinh tế thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần của người dân hai tỉnh Thái Bình – Hưng Yên, đặc biệt là người dân hai bên bờ sông. 



                                                                                                     (còn nữa)

Nhóm phóng viên