Thứ 5, 25/04/2024, 23:04[GMT+7]

Nỗi đau ma túy

Thứ 6, 14/08/2020 | 08:21:09
4,564 lượt xem
Ma túy đang là vấn nạn, không chỉ hủy hoại sức khỏe con người mà còn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh bần cùng, trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh tham gia lao động sản xuất.

Thử một lần - hối hận một đời

Hơn 20 năm nay, anh Vũ Văn B ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình vật vã với nỗi đau do ma túy gây ra nhưng không dứt ra được. Anh B chia sẻ: Khi mới hơn 20 tuổi tôi lên miền ngược đãi vàng bị bạn bè rủ rê dùng thử ma túy rồi nghiện lúc nào không hay, khi trở về nhà thì ma túy đã “ngấm vào máu thịt mình”. Nhiều lần tôi vào cơ sở cai nghiện rồi uống Mathedone thay thế, thậm chí đã đi tù vì mua bán trái phép chất ma túy. Hơn 40 tuổi sống cô độc, không vợ con, bao nhiêu đồ đạc trong nhà cũng vì ma túy mà “đội nón ra đi”, bản thân thì nhiễm HIV, hàng ngày phải vật vã với những cơn “đói thuốc”, cuộc sống với tôi giờ đây rơi vào đường cùng không lối thoát. 

Cũng nghiện ma túy như anh B, anh Nguyễn Văn T cùng ở phường Trần Lãm cho biết: Hơn 30 năm nay tôi nghiện ma túy, hành trình cai nghiện, tái nghiện lặp đi lặp lại, hết ra trại này lại vào trại khác đã vắt kiệt tài sản của gia đình nhưng cuối cùng “nghiện vẫn hoàn nghiện”. Làm ra được đồng nào, tôi dốc hết vào ma túy đồng đó mà cũng chẳng đủ, có khi cũng phải đi ăn trộm để có tiền mua ma túy, mọi người thì kỳ thị, xa lánh mình, xấu hổ lắm. Tôi đã làm khổ vợ con rất nhiều nhưng giờ cũng không sao thoát ra được.

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Quýnh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 2.841 người nghiện có hồ sơ quản lý, tuy nhiên nếu thống kê cả người sử dụng trái phép chất ma túy thì con số cao hơn nhiều lần, đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm và người nghiện mới. Xu hướng nghiện phổ biến hiện nay là hêrôin, ma túy tổng hợp dạng đá, thuốc lắc. Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện việc mua bán các loại ma túy núp bóng đồ ăn như “chocola bay”, “bánh lười” nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ gây nhiều hệ lụy với thế hệ trẻ. Ma túy để lại hậu quả lâu dài đối với bản thân, gia đình, xã hội, làm băng hoại đạo đức, suy thoái giống nòi và ảnh hướng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Ma túy cũng là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tội phạm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác. Để đáp ứng nhu cầu bức bách về ma túy của bản thân, người nghiện có thể làm bất cứ việc gì, kể cả trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, thậm chí giết người, miễn là có tiền mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện. Và đáng lo ngại hơn tiêm chích ma túy sẽ dẫn đến lây truyền HIV/AIDS.

Cai nghiện - chuyện không dễ

Hiện nay, cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đang tổ chức quản lý và điều trị cho 300 người nghiện ma túy bao gồm cả cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Anh Đào Xuân H đang cai nghiện ma túy tại cơ sở của tỉnh cho biết: Tôi nghiện ma túy đã 7 năm và thấy ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm khổ gia đình rất nhiều nên quyết tâm đi cai nghiện để làm lại cuộc đời. Tôi mong muốn khi trở về cộng đồng, mọi người không xa lánh, giúp đỡ để tôi dứt hẳn với ma túy, trở thành người có ích. Anh Bùi Văn D đang cai nghiện tháng thứ 15 tại cơ sở và chỉ còn 3 tháng nữa là hết đợt điều trị nhưng điều anh lo lắng nhất là sau khi trở về với gia đình liệu có đủ quyết tâm để thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy hay không. Anh tâm sự: Tôi gửi lời xin lỗi tới vợ, con và những người thân trong gia đình và mong những bạn trẻ hãy tránh xa ma túy, đừng thử dù chỉ là một lần bởi mắc nghiện thì rất dễ nhưng cai được thì vô cùng gian nan.

Nghiện ma túy được xem là một vấn nạn của xã hội và cai được ma túy thì vô cùng khó khăn, tỷ lệ người tái nghiện sau cai trên 90%. Theo ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hiện nay, thủ tục đưa người nghiện ma túy bắt buộc quá phức tạp, qua nhiều cơ quan xét duyệt, mất nhiều thời gian sẽ tạo cơ hội cho người nghiện bỏ trốn. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh được giao tiếp nhận 500 người nghiện ma túy song cơ sở vật chất xây dựng trên 10 năm đã xuống cấp nghiêm trọng chỉ tiếp nhận được 300 học viên và chưa đáp ứng được các yêu cầu thực hiện các hoạt động chuyên môn trong cai nghiện cũng như nhu cầu văn hóa, giải trí của người nghiện. Việc cai nghiện tại cộng đồng cũng gặp nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất các trạm y tế chưa đủ điều kiện để thực hiện các biện pháp cai nghiện, chưa có các phòng chức năng riêng nên rất khó để triển khai các hoạt động từ điều trị cắt cơn đến theo dõi, phục hồi sức khỏe cho người nghiện. Thêm vào đó là cán bộ y tế ở một số nơi chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức để điều trị cắt cơn trong khi hoạt động của tổ công tác cai nghiện còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận đối tượng. Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát đối tượng chưa được chu đáo, chưa đánh giá nhu cầu và xây dựng kế hoạch cai nghiện cụ thể cho từng người nên hiệu quả không cao. Công tác tuyên truyền dù đã được thực hiện nhưng kết quả chưa cao, sự kỳ thị và định kiến của cộng đồng vẫn còn, rất ít người tự nguyện khai báo tình trạng nghiện các chất ma túy tại cộng đồng. Gia đình người nghiện đóng vai trò then chốt trong công tác này song vì thiếu kiến thức, kỹ năng về cai nghiện và các biện pháp dự phòng tái nghiện nên khó có thể giúp đỡ, hỗ trợ con em họ cai nghiện thành công.

Khó khăn nữa là các đối tượng nghiện ma túy đa số họ là lao động tự do, không có việc làm ổn định nên rất khó theo dõi, quản lý. Thực tế cai nghiện đã khó, giải quyết việc làm cho người sau cai càng khó khăn hơn. Không ít người sau mỗi đợt cai nghiện trở về không tìm được việc làm nên lại rơi vào con đường cũ. Và cứ thế, bản thân người nghiện cùng gia đình của họ luôn rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự kiệt quệ về kinh tế, sa sút sức khỏe, tinh thần.

Theo ông Phí Đức Điềm, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh: Người nghiện chính là người thấm nhất “nỗi đau” ma túy nên họ phải là những người giác ngộ, thấy rõ tác hại mà ma túy gây ra cho gia đình để quyết tâm từ bỏ. Cùng với đó, gia đình và cộng đồng phải quản lý chặt chẽ, động viên người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện, không kỳ thị, xa lánh, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng thì mới mang lại hiệu quả. Thực tế cũng đã có nhiều người cai nghiện thành công như trường hợp của ông Dương Công Lộc, tổ 1, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình. Ông Lộc chia sẻ: Tôi nghiện ma túy hơn 20 năm nhưng nhờ sự quyết tâm của bản thân, sự động viên của gia đình, giúp đỡ của cộng đồng, tôi đã cai nghiện thành công và được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Hơn 10 năm trên cương vị tổ trưởng, tôi tích cực tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ nhiều người nghiện ma túy cai nghiện.

Ma túy là hiểm họa đối với toàn xã hội. Cai nghiện ma túy đã khó, đẩy lùi, ngăn chặn tác hại của ma túy còn khó khăn gấp bội. Vì vậy, các cấp, các ngành, toàn xã hội và mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy, kiên quyết hành động vì một cộng đồng không ma túy, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày