Thứ 5, 16/01/2025, 13:55[GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng thủy sản

Thứ 5, 09/04/2020 | 09:11:37
3,523 lượt xem
Năm 2020, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) phấn đấu đạt diện tích nuôi thả 15.500ha; sản lượng đạt 165.550 tấn, tăng 4,2% so với năm 2019, trong đó nước mặn đạt 113,914 tấn, nước lợ đạt 11.000 tấn, nước ngọt đạt 40.636 tấn.

Nuôi cá giống tại Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long (Tiền Hải).

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác cải tạo, vệ sinh môi trường ao, đầm nuôi. Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, đối tượng nuôi (tôm, cá...) sẽ được nuôi thả sau tiết Thanh minh, khi điều kiện thời tiết tốt. Ông Phạm Duy Nghị, Giám đốc HTX SXKD NTTS Hải Châu (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) cho biết: Xã viên của HTX đã chuẩn bị tốt các điều kiện chuẩn bị xuống giống thủy sản trên diện tích 130ha ao, đầm. Ngày 31/3, nhiều hộ nuôi đã lấy nguồn nước bảo đảm môi trường đưa vào ao nuôi. Tuy nhiên, hiện chúng tôi gặp khó khăn trong nguồn tôm giống để nuôi thả. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 nên các chuyến bay từ miền Nam ra miền Bắc giảm rất nhiều mà nguồn tôm giống phụ thuộc 90% vào thị trường các tỉnh phía Nam.


Không chỉ có các hộ nuôi ở xã Đông Minh mà lượng giống tôm chủ yếu được các hộ nuôi của huyện Tiền Hải mua từ các tỉnh phía Nam như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận và chỉ một số ít ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Đây sẽ là khó khăn lớn của Tiền Hải bởi huyện xác định tôm sú và tôm thẻ chân trắng là con nuôi chủ lực nước lợ. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải, vụ nuôi thả xuân, hè, để đạt diện tích 1.970,33ha nuôi nước lợ, toàn huyện cần 250 triệu con giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng P12-15.


Về nuôi ngao, năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu diện tích nuôi thả 3.169ha với đối tượng nuôi chủ yếu là ngao trắng và một số là ngao đỏ (ngao dầu). Cũng giống như tôm, lượng ngao giống được cung cấp sụt giảm hẳn do nguồn giống chủ yếu phải nhập từ các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng... Chỉ một phần nhỏ nguồn giống được khai thác từ tự nhiên và các trại sản xuất giống thủy sản tại địa phương.


Theo ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, dịch Covid- 19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn con giống trong NTTS mà còn ảnh hưởng đến giá thành, thị trường tiêu thụ nông sản... Cụ thể, từ đầu năm 2020, sứa xuất hiện nhiều ở khu vực ven biển Thái Bình nhưng do thị trường Trung Quốc đóng cửa, không thu mua nên đa số sứa phải bán cho các cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa với giá giảm so với năm 2019. Sản lượng tép moi cũng bị ảnh hưởng, giá tép moi giảm từ 22.000 đồng/kg xuống còn 10.000 đồng/kg (cuối tháng 3/2020). Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc không nhập khẩu tiểu ngạch nên giá tôm tháng 3/2020 là 200.000 đồng/kg với kích cỡ tôm 40 - 50 con/kg, giảm 80.000 đồng/kg so với giá thành tháng trước. Ông Hoàng Minh Giang cho biết thêm: Hiện tại, các sản phẩm đầu vào trong NTTS (thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường...) chưa ảnh hưởng nhiều do chưa vào chính vụ. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến NTTS do thiếu một số nguyên liệu đầu vào (hóa chất, chế phẩm sinh học...) bởi chủ yếu nhập từ Trung Quốc.


Một tín hiệu đáng mừng là hết quý I, toàn tỉnh có 602 lồng nuôi cá trên sông với thể tích gần 67.000m3, tăng 66 lồng so với cùng kỳ năm 2019; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 60.000 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 35.000 tấn. Cùng với đó, NTTS vẫn có những tiềm năng, cơ hội như: NTTS nước ngọt gần như không bị ảnh hưởng; dư địa tiêu thụ thủy sản trong nước còn lớn; khả năng khống chế, xử lý dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao... Tuy nhiên, để giành thắng lợi vụ NTTS xuân, hè năm 2020 như mục tiêu đã đề ra, góp phần bình ổn thị trường nông sản, cùng với sự nỗ lực của các hộ nuôi, rất cần sự vào cuộc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hộ nuôi của các cấp, các ngành trong tỉnh.


Phan Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày