Thông cáo báo chí số 03, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến và 2 đại biểu tham gia tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung sau:
i) Về phạm vi điều chỉnh và quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự án luật hay không, đa số ý kiến thống nhất cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, việc đưa các quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật cũng có nhiều ý kiến đề nghị không nên, mà cần phải có một đạo luật riêng để điều chỉnh đối với hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị nên quy định đối tượng hộ kinh doanh thành một chương trong dự án Luật này.
ii) Về việc thông báo mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc quy định thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như Luật hiện hành để đảm bảo việc kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước và vai trò chính danh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị không nên quy định việc thông báo mẫu dấu, con dấu, mà giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định.
iii) Về doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc vấn đề này vì có thể ảnh hưởng đến quá trình quản trị, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp nhà nước có thể nâng lên ở mức 65% để đảm bảo quyền quyết định của Nhà nước đối với những vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp...
iv) Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số vấn đề, như: Việc chào bán trái phiếu riêng lẻ; quyền của cổ đông phổ thông; về điều lệ doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; về đăng ký, quản lý doanh nghiệp; về chế độ báo cáo; về giải thể doanh nghiệp; trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; về doanh nghiệp xã hội…
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến dự án Luật mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh đối với đối tượng hộ kinh doanh, thông báo mẫu dấu, con dấu của doanh nghiệp, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận hôm nay và các ý kiến góp ý bằng văn bản của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình và chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Trong quá trình thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về nội dung sau: Về quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; về công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; về chi phí giám định tư pháp; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; về trưng cầu giám định tư pháp trong trường hợp nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định; về Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; về hoạt động giám định ngoài tố tụng...
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tại phiên thảo luận trực tuyến, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau:
i) Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, đa số ý kiến đại biểu tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; cho rằng việc sửa đổi Luật đã góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giám định tư pháp, nhất là việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng.
ii) Về quy định Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập (Điều 12), đa số ý kiến đại biểu tán thành bổ sung vào dự thảo luật “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về âm thanh và hình ảnh. Chính phủ đã cân nhắc kỹ về vấn đề này dựa trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nên thành lập mới tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự mà nên tập trung đầu tư cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện có của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.
iii) Về trưng cầu giám định (Điều 25), đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định tại khoản 4 Điều 25 giao trách nhiệm cho một cơ quan, tổ chức chuyên môn về giám định tư pháp chủ trì việc thực hiện giám định trong trường hợp nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định. Quy định này phù hợp với tính chất chuyên môn, khoa học và bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám định tư pháp; có ý kiến đề nghị nên giao trách nhiệm này cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
iv) Về thời hạn giám định (Điều 26a), đa số ý kiến đại biểu tán thành quy định thời hạn giám định tư pháp không quá 3 tháng, trường hợp phức tạp không quá 4 tháng và giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định thời hạn giám định tư pháp cần bảo đảm phù hợp với thời hạn tố tụng.
v) Về hoạt động giám định ngoài tố tụng, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, quy định giám định phục vụ hoạt động thanh tra trong dự thảo Luật là không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; hơn nữa vấn đề này cũng đã được quy định trong văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về cơ chế thực hiện giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền trong các hoạt động quản lý nhà nước theo Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận cũng có nhiều ý kiến phát biểu về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Thứ Sáu, ngày 22/5/2020, buổi sáng, Quốc hội họp trực tuyến tại hội trường nghe:
i) Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; ii) Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021; iii) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về nội dung này.
Buổi chiều, Quốc hội nghe: i) Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; ii) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Sau thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo: baotintuc.vn
Tin cùng chuyên mục
- Chư Đang Ya sẵn sàng cho ngày hội Hoa dã quỳ 04.11.2024 | 17:44 PM
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 04.11.2024 | 15:57 PM
- Chiêm ngưỡng kỳ quan núi Cầu Vồng tại Peru 04.11.2024 | 15:30 PM
- Xã Trang Bảo Xá kiện toàn nhân sự sau sáp nhập 04.11.2024 | 15:21 PM
- Kiến Xương: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 04.11.2024 | 15:08 PM
- Thành phố: 250 hội viên phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật 04.11.2024 | 15:02 PM
- Núi lửa ở Indonesia phun trào khiến 9 người tử vong 04.11.2024 | 15:06 PM
- Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại xã Vũ Phúc 04.11.2024 | 14:50 PM
- Ấn Độ: Xe buýt lao xuống hẻm núi khiến ít nhất 22 người thiệt mạng 04.11.2024 | 14:41 PM
- Bão và lốc xoáy dữ dội hất tung ô tô và tốc mái các tòa nhà ở bang Oklahoma (Mỹ) 04.11.2024 | 14:41 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại thôn Hiến Nạp, xã Minh Khai
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng