Thứ 4, 15/01/2025, 19:57[GMT+7]

Tô Hoài, cây bút tên tuổi của nền văn học cận đại Việt Nam

Thứ 2, 28/09/2020 | 09:38:55
26,622 lượt xem
Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920 là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỷ XX. Ông thuộc “thế hệ vàng” thế hệ sinh năm 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỉ XX - làm nên mùa màng 1930 - 1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ ấy, cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.

Nhà văn Tô Hoài. Ảnh tư liệu

Nhà văn Tô Hoài, tác giả của cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu ký” khiến bao thế hệ bạn đọc Việt Nam say mê, đến với văn chương từ thuở thanh niên. Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài bắt đầu từ những tác phẩm in trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Năm 1938, Tô Hoài tham gia Hội Ái hữu công nhân rồi tham gia phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1943, ông gia nhập tổ Văn hóa cứu quốc đầu tiên ở Hà Nội. Đây chính là thời gian ông xuất bản cuốn truyện dài nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu ký”.Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà văn Tô Hoài làm báo Cứu quốc, Chủ nhiệm tờ Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc. Năm 1957, được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1958 đến năm 1980, tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1966 - 1996, ông là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Nhà văn Hoàng Quốc Hải khâm phục phong cách viết văn của Tô Hoài: Trong những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài luôn có tác phong vừa nghe người ta nói vừa xem họ làm vừa sinh hoạt với họ, đồng thời còn ghi chép lại. Có những đoạn ông ghi lại tiếng chim gáy trong rừng sâu như thế nào, tiếng chim gáy ở đồng bằng như thế nào. Hay như tiếng chim nuôi trong lồng, nhốt trong thành phố thế nào. Những đoạn ghi chép ấy ông đều đọc cho chúng tôi nghe. Mỗi cái đều có sự tinh tế khác nhau. Từ đó mới thấy nhà văn Tô Hoài làm việc rất tỉ mỉ và những điều ông đưa ra làm cho chúng ta tin được.

Bên cạnh những đề tài viết về miền núi: Tây Bắc, Việt Bắc cho đến Hà Nội, nói đến Tô Hoài, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội, Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tô Hoài của hồi ký tự truyện..., và những sáng tác cho thiếu nhi. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Bà Lê Hương, người yêu thích tác phẩm của nhà văn Tô Hoài cho biết: Tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” dẫn dắt tuổi thơ của tôi đi xa lắm. Ngày đó đâu có nhiều hình ảnh trên ti vi nhưng qua tác phẩm thì chúng tôi quan sát đất nước Việt Nam tươi đẹp như thế nào, rộng lớn ra làm sao, thân thương ra sao.

Không chỉ thu hút bạn đọc trong nước, cuốn truyện hấp dẫn này còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn bè quốc tế (cả trẻ em và người lớn) đón nhận nồng nhiệt như những truyện cổ tích kinh điển của nhà văn hào Andecxen, của anh em nhà Grim... Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn Tô Hoài bằng chứng nhận “Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch nhiều thứ tiếng nhất”. Tính đến nay, “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Nam Tư, Rumani, Cuba, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan...

Một tác phẩm nổi tiếng khác của nhà văn Tô Hoài là “Vợ chồng A Phủ” - truyện ngắn xuất sắc của Tô Hoài viết về đề tài miền núi Tây Bắc được in trong tập “Truyện Tây Bắc”(1953). Tác phẩm đã thể hiện một cách xúc động cuộc sống tủi nhục của đồng bào miền núi Tây Bắc dưới ách phong kiến và thực dân, được giải nhất về truyện, ký (đồng hạng với Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc) giải thưởng của Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954 - 1955. Giáo sư văn học Phong Lê đánh giá: Nói về “Vợ chồng A Phủ” là nói về giá trị khởi đầu của nó trong văn học kháng chiến, nằm trong bộ ba truyện để thành “Truyện Tây Bắc”. Tô Hoài trong những năm đầu thâm nhập vào kháng chiến, viết được tác phẩm đầu tiên của văn học kháng chiến và xây dựng được mẫu hình của một tầng lớp người. “Truyện Tây Bắc” cùng với “Đất nước đứng lên” là những tác phẩm đặc sắc của chặng đường văn học kháng chiến 1945 - 1954.

Cùng với “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài cũng là tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa phổ thông và được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.

Tính đến nay, sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, Tô Hoài đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài kỳ, tiểu thuyết, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Tô Hoài được đánh giá là cây đại thụ trong khu rừng văn học hiện đại Việt Nam. Ở mọi thể loại sáng tác, Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một gương mặt riêng không thể nhòe lẫn và để lại nhiều dấu ấn với những tác phẩm có giá trị.

Nhà văn Tô Hoài được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, ông còn được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Nhà văn Tô Hoài, cây đại thụ cuối cùng của thế hệ nhà văn thành danh trước Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam vừa từ trần ngày 6/7 tại Hà Nội, thành phố ông sinh ra, lớn lên và gắn bó hầu như suốt cuộc đời mình. Hơn 70 năm cầm bút, nhà văn Tô Hoài đã sáng tác hơn 200 đầu sách đủ thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện đến tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi. Trong mỗi tác phẩm, ông đều để lại dấu ấn riêng.

Theo VOV5