Thứ 2, 01/07/2024, 01:15[GMT+7]

Tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo

Thứ 4, 30/09/2020 | 08:45:22
2,091 lượt xem
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã đưa công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh đi đúng lộ trình, mang lại những “mùa vàng” cho ngành Giáo dục.

Tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng).

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường, lớp; giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. 

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đối với mỗi cơ chế, chính sách, ngành Giáo dục xác định phải xây dựng, tham mưu dựa trên tình hình thực tế; phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục cả nước. Đơn cử như năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở thực hiện rà soát, quy hoạch, tổ chức thực hiện việc sắp xếp các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn gắn với thực tế địa phương, nhu cầu và lợi ích người dân. Vì thế, 5 năm qua số lượng đầu mối các cơ sở giáo dục giảm mạnh, đặc biệt là cấp tiểu học (giảm 176 trường), THCS (giảm 161 trường), bậc học mầm non giảm hàng trăm điểm trường do thực hiện sáp nhập trường học, điểm trường. Việc sáp nhập trường học không chỉ giảm đầu mối mà còn giúp bộ máy tổ chức tại các cơ sở giáo dục bớt cồng kềnh; từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu cán bộ quản lý và nhân viên hành chính ở một số nơi.

Đối với các hoạt động giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo chặt chẽ và giám sát nghiêm việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục. 

Bà Trần Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Các cơ sở giáo dục mầm non đã có nhiều biện pháp quản lý, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Điển hình như việc thực hiện hiệu quả chuyên đề “Đổi mới tổ chức bữa ăn cho trẻ”, chế biến 2 - 3 món ăn/bữa chính, xây dựng thực đơn hàng ngày theo tuần, theo mùa bảo đảm cân đối dưỡng chất trong bữa ăn của trẻ ở trường. Còn tại các cơ sở giáo dục phổ thông, công tác quản trị trường học tiếp tục được đổi mới, trong đó tăng cường tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm nội dung, chương trình theo quy định. Cùng với đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cũng được các nhà trường đặc biệt chú trọng thực hiện. 

Thầy giáo Đỗ Văn Ngự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hồng Lý (Vũ Thư) chia sẻ: Những năm qua, các thầy cô 2 cấp học của Trường đã tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận và nâng cao năng lực của học sinh, bảo đảm nhẹ nhàng, tự nhiên, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, đồng thời tạo niềm vui, gây hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài giờ lên lớp được Trường tổ chức thường xuyên hơn, thu hút đông đảo học sinh tham gia, từ đó góp phần đổi mới các hoạt động giáo dục chung của Trường.

Giai đoạn 2015 - 2020 cũng đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học của học sinh và giáo viên toàn tỉnh. 5 năm qua, toàn tỉnh có 329 dự án của học sinh THCS, THPT tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, 26 dự án được lựa chọn để tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Nhiều dự án đã có ứng dụng sâu rộng vào thực tế như: dự án “Nâng cao nhận thức cho học sinh THPT nhằm hạn chế tâm lý đám đông tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội” của học sinh Trường THPT Tiên Hưng; dự án “Máy cho tôm, cá ăn tự động” của học sinh Trường THPT Đông Thụy Anh... 

Tại huyện Thái Thụy, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương mà trực tiếp là Phòng Giáo dục và Đào tạo, phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật còn lan rộng đến các trường tiểu học, mầm non qua chương trình giáo dục STEM. 

Đồng chí Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Tất cả các trường tiểu học, THCS ở Thái Thụy đều có ít nhất một câu lạc bộ khoa học hoạt động thường xuyên mỗi tuần một buổi, mỗi câu lạc bộ có từ 20 - 30 học sinh, các em tham gia trên tinh thần tự nguyện. Hình thức hoạt động của câu lạc bộ cũng khá đa dạng bao gồm: tọa đàm, hội thảo, hoạt động thực hành, tiếp cận thực tế, trải nghiệm, ngoại khóa... Đặc biệt, toàn huyện đã xây dựng được một bộ giáo án các tiết dạy sáng tạo khoa học kỹ thuật bao gồm 60 bài giảng để giáo viên hướng dẫn học sinh trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Với cách làm hay, sáng tạo, Thái Thụy hiện là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học.

5 năm qua, bức tranh giáo dục đã khởi sắc đáng kể. Những điểm sáng, điển hình tiên tiến xuất hiện nhiều hơn tại các địa phương. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, đưa Thái Bình trở thành một trong những tỉnh trong tốp đầu cả nước. Nổi bật nhất là công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. 

Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2020, tỉnh có 242 lượt học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, em Vũ Xuân Trung, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình đều giành huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế. Cùng với đó, diện mạo trường, lớp ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non đạt 81,6%; tiểu học đạt 100%; THCS đạt 79,3% và THPT đạt 64,1%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng 5 năm qua đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực cố gắng, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. 5 năm tới, ngành đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhưng quan trọng nhất đó là giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức đảng, mỗi đơn vị và trong toàn ngành; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên có phẩm chất tốt, năng lực và kỹ năng làm việc vững vàng, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.


Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày