Thứ 3, 26/11/2024, 11:17[GMT+7]

Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá

Thứ 5, 22/10/2020 | 09:39:13
3,822 lượt xem
Điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của nước ta năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường của học sinh Việt Nam có xu hướng giảm, từ 4% xuống 3,6%, nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng, lên 2,6%.

Để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, WHO đã phát động chủ đề phòng, chống thuốc lá năm 2020 là: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”. Các hoạt động tập trung vào chủ đề này nhằm chỉ rõ các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt là các phương thức mà ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến thanh thiếu niên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuốc lá như giới thiệu các sản phẩm thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng thiết kế “sành điệu”, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ làm cho giới trẻ coi nhẹ các rủi ro đối với sức khỏe và bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới này. Bên cạnh các chiêu quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường; tài trợ cho người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm thuốc lá mới cho thanh niên, là việc đưa ra thông điệp hút thuốc lá là sự tự do lựa chọn cá nhân... Với chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít có hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Những người có tầm ảnh hưởng xã hội trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, trên các trang mạng xã hội, trong gia đình, tại trường học, những người có khả năng tiếp cận và kết nối với giới trẻ hãy cùng tham gia các hoạt động để chỉ rõ các chiến thuật trong việc nỗ lực tạo ra một thế hệ người hút thuốc lá mới của ngành công nghiệp thuốc lá... Trong khi các sản phẩm thuốc lá mới hiện được các công ty thuốc lá giới thiệu là một sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường nhưng thực tế đây chỉ là các quảng cáo nhằm gây nhầm lẫn. Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế): Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lan truyền Covid-19 trong cộng đồng. Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Do đó, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả Covid-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với Covid-19. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng. Chính vì vậy: “Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ Covid-19”.

Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)