Thứ 4, 15/01/2025, 12:42[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020

Thứ 7, 31/10/2020 | 14:45:50
1,874 lượt xem
Sáng ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 với 63 điểm cầu các tỉnh/thành phố.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại Thái Bình, có 1 điểm cầu tại UBND tỉnh và 8 điểm cầu tại các huyện, thành phố. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng. Đặc biệt là việc hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục thông qua ban hành 2 luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục năm 2019. Cùng với đó, toàn ngành đã thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận thông qua chương trình đánh giá PISA, PASEC của quốc tế, thi Olympic khu vực và quốc tế; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả. Giai đoạn qua cũng đánh dấu bước đột phá của giáo dục đại học trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ số nghiên cứu khoa học tăng mạnh; số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục tăng. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng. Giáo dục đồng thời ghi dấu ấn với sự chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, nhất là trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19.

Đầu năm học 2020-2021, ngành Giáo dục đã tập trung giải quyết một số vấn đề dư luận quan tâm như: thiếu cục bộ sách giáo khoa và ép mua tài liệu tham khảo; bảo đảm an toàn trường học; chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục; thống nhất tiếp thu, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều…

Định hướng giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2020-2021, ngành Giáo dục tập trung thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thành công chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Đối với giáo dục đại học, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam khẳng định năm học 2019-2020 là năm học đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời cũng là năm học để đánh giá lại chặng đường giáo dục hơn 6 năm từ khi thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo nhưng không được tách rời điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền phải tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục, trong đó có chỉ tiêu biên chế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên. Ngành Giáo dục cần hết sức cầu thị, tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, dù gay gắt nhưng đúng đắn của người dân. Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu từng cơ sở giáo dục trên cả nước phải thực sự là thiết chế biểu tượng của văn hóa. Đặc biệt, thời gian tới, ngành Giáo dục phải quyết liệt đi trước một bước về hội nhập quốc tế, không đi ngược lại với xu thế của thế giới, trong đó, phải bảo đảm đủ trường, lớp, giáo viên, điều kiện để học sinh phổ thông học hiệu quả 2 buổi/ngày; giáo dục phổ thông là bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào; các thiết chế giáo dục không chỉ là của chính quyền mà còn là của cộng đồng và phải được quản trị bằng cộng đồng. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu sau hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá sâu hơn nữa về quá trình thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ đó đề ra những hướng đi hiệu quả hơn, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.

                                                          Đặng Anh