Thứ 4, 15/01/2025, 14:59[GMT+7]

Tăng cường kiểm soát thị trường dịp tết

Thứ 4, 15/01/2025 | 09:02:13
259 lượt xem
Như thường lệ, vào cuối năm, nhất là dịp tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, thị trường hàng hóa trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dễ phát sinh gây bất ổn thị trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Để kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh sớm mở đợt cao điểm đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Càng gần đến tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân càng tăng mạnh. Trong ảnh: Người dân đi mua sắm tại siêu thị Go! Thái Bình.

Sáng ngày 9/1, lực lượng quản lý thị trường đội số 5 (Tiền Hải, Kiến Xương) phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện Tiền Hải tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất theo chuyên đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại xã Nam Thịnh và xã Nam Tiến (Tiền Hải). Kiểm tra tại cửa hàng tự chọn T.Tr tại thôn Ái Quốc, xã Nam Tiến, lực lượng chức năng phát hiện một số hành vi vi phạm như bảo quản sản phẩm không đúng quy định, kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá; đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính hộ kinh doanh này gần 3 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khắc phục triệt để sai phạm, không tái diễn. 

Ông Nguyễn Thế Anh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 cho biết: Năm 2024, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra 282 vụ, bao gồm kiểm tra theo kế hoạch 191 vụ và kiểm tra đột xuất 91 vụ, đã phát hiện, xử lý 181 vụ, tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước 586.450.000 đồng. Riêng thực hiện kế hoạch cao điểm tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ đầu tháng 12/2024 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra 62 vụ, xử lý 53 vụ vi phạm, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 118.500.000 đồng. Qua tổng hợp, các lỗi vi phạm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ yếu liên quan đến không chấp hành đúng quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, vận chuyển, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác không đúng quy định, không thực hiện việc niêm yết giá bán và bán không theo giá niêm yết. 

Không riêng trên địa bàn 2 huyện Tiền Hải, Kiến Xương, các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa cũng xảy ra ở các huyện, thành phố. Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, càng gần tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh càng gia tăng sản xuất và dự trữ hàng hóa với số lượng lớn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tình hình giá cả hàng hóa cơ bản ổn định nhưng thị trường tiềm ẩn một số yếu tố bất ổn do buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phát sinh. Lường trước điều đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 và dịp trước, trong, sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 từ ngày 1/11/2024 đến hết ngày 1/3/2025. 

Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Trong thời gian mở đợt cao điểm, chúng tôi huy động tối đa lực lượng, phương tiện tập trung kiểm tra các lĩnh vực, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, đi sâu kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, kinh doanh mặt hàng may mặc, điện tử, điện lạnh và hoạt động thương mại điện tử hoặc trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh. Ngoài kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt có báo trước, các đội quản lý thị trường tăng cường trinh sát, nắm địa bàn, kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Lực lượng quản lý thị trường cùng với các phòng, ban, ngành của huyện Tiền Hải kiểm tra hàng hóa và hoạt động kinh doanh tại một cửa hàng ở xã Nam Tiến.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Cục Quản lý thị trường tỉnh, chỉ sau hơn 2 tháng thực hiện đợt cao điểm, lực lượng chức năng đã kiểm tra 68 vụ, phát hiện, xử lý 61 vụ vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 289 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường còn tịch thu, buộc tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm, trong đó có 293kg sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm, 706kg vải, 208 đôi giày nhập lậu, 800 chiếc áo khoác không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ 89 chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng, 8.383 đơn vị sản phẩm là quần áo và vải may mặc với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng là hàng hóa có dấu hiệu hàng nhập lậu. 

Hiện nay, song song với hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng, người bán hàng các quy định của pháp luật, tránh xảy ra vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật. Đặc biệt, các đội quản lý thị trường tại các huyện, thành phố đã tổ chức cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, tiếp tay cho hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đầu cơ tích trữ, găm hàng, tăng giá quá mức..., góp phần giữ cho thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khắc Duẩn